Nhiều người không dám ăn rau muống vì sợ nó sẽ gây ra tình trạng sẹo lồi, liệu điều này có đúng không?
Loại rau quốc dân của người Việt chính là rau muống, bởi nó có giá thành rẻ, dễ bắt gặp ở mọi nơi, dễ chế biến và tất nhiên nó cũng hợp khẩu vị của cả người già lẫn trẻ nhỏ.
Theo nghiên cứu, trong 100g rau muống chứa 90% nước, 3g chất xơ, 3g protein, vitamin C, vitamin E, chất béo, khoáng chất như sắt, kẽm, magie… Đây chính là những axit amin cần thiết cho cơ thể, rất tốt cho những người thiếu máu, người ốm dậy, kém ăn, thiếu chất đạm.
Tuy vậy, nhiều người không dám ăn rau muống vì sợ nó sẽ gây ra tình trạng sẹo lồi, liệu điều này có đúng không?
Ăn rau muống có thể gây sẹo lồi không?
Theo nhà khoa học, lương y Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội): Đúng là rau muống có thể gây ra tình trạng sẹo lồi cho những người có vết thương hở. Theo dân gian, rau muống là loại rau có tính hàn, khi ăn có thể hình thành sẹo xấu sau khi vết thương lành hẳn. Chưa kể, ăn rau muống còn khiến tình trạng da non mọc lên gây ngứa nhiều hơn bình thường. Trong thực tế, đã có không ít người gặp tình trạng như vậy khi ăn rau muống khi đang có vết thương.
Tuy nhiên trong khoa học thì chưa có một nghiên cứu nào khẳng định điều này. Hơn nữa, có hình thành sẹo lồi hay không còn liên quan đến cơ địa, và việc sử dụng các loại thuốc phục hồi sau phẫu thuật.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, người đang có vết thương hở có thể hạn chế tiêu thụ rau muống. Thay vào đó có thể ăn một số loại rau lành tính như rau ngót, rau má, rau cải, diếp cá, hành tây để làm lành vết thương nhanh chóng. Ngoài ra có thể bổ sung thêm cá, trái cây để tăng sức đề kháng, nhanh hồi phục.
Một số bài thuốc có tác dụng điều trị bệnh từ rau muống
Theo lương y Sáng, rau muống là một trong những nguyên liệu trong các bài thuốc chữa bệnh, như chữa ợ chua, viêm loét dạ dày, ngộ độc thức ăn.
Cụ thể là:
– Chữa ợ chua: Lấy 20g rau muống, 20g cỏ mực, 12g vỏ quýt khô, đem tất cả đi rửa sạch, cắt khúc, sau đó cho vào ấm rồi đổ 750ml nước, sắc còn 250ml chia 2 lần uống lúc đói. Dùng liên tục 1 tuần.
– Chữa viêm loét dạ dày: Lấy 200g rau muống tươi đem giã cùng một chút muối ăn, vắt lấy nước cốt. Chia 2 lần uống trong liệu trình 5 ngày.
– Thải trừ cholesterol, chống tăng huyết áp: Lấy lượng rau muống đủ dùng đem luộc và ăn hàng ngày.
– Trị chảy máu cam: Đem 100g rau muống tươi đi giã rồi vắt lấy nước cốt, pha thêm chút đường uống trong liệu trình 5 ngày sẽ có tác dụng.
– Trị ngộ độc thức ăn: 500g rau muống, 30g cam thảo, 120g đậu xanh. Đem tất cả nguyên liệu trên đi sắc lấy nước đặc, uống trong ngày.
– Trị xuất huyết, tiểu ra máu: Đem 500g rau muống đi giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt. Hòa mật ong vào, uống từ từ.
– Trị kiết lỵ (có lẫn mủ, máu): 1 nắm đọt rau muống, 1 nắm vỏ lựu nướng. Đem nguyên liệu đi sắc lấy nước uống.
– Giải mọi chất độc: Vì rau muống có tác dụng giải được mọi chất độc (Rau muống mát, bổ, giải độc tố, tránh ưu phiền rất hay) nên khi bị trúng độc (bất kỳ loại độc nào) cũng có thể lấy ngay rau muống giã lấy nước cốt, hòa chút muối uống.
Lưu ý khi ăn rau muống và sử dụng rau muống làm thuốc
– Chỉ nên dùng rau muống như 1 loại rau ăn, nếu muốn dùng làm thuốc thì nên hỏi ý kiến của các chuyên gia Đông y trước bởi mỗi người có một cơ địa khác nhau. Chuyên gia Đông y sẽ là người đưa ra những lời khuyên quan trọng và an toàn nhất để bệnh tình nhanh thuyên giảm.
– Nên tránh ăn rau muống tươi sống hoặc chưa được chế biến chín hẳn kẻo có thể mắc các bệnh đường ruột như: sán lá gan, đầy bụng, khó tiêu, dị ứng…
– Người đang uống thuốc Đông y không nên ăn rau muống vì có thể gây giã thuốc, làm mất hết tác dụng quý báu của thuốc.