Sau hơn 1 tuần giữ trạng thái ổn định, tỷ giá USD/VND lại bất ngờ lên “cơn sốt” trong ngày 9/3, song ngay sau đó, cơn sốt này đã được hạ nhiệt nhanh chóng.
Sau chuỗi ngày bất động, trong tuần qua, vào ngày 9/3, tỷ giá trung tâm được điều chỉnh tăng thêm 12 đồng lên mức 22.258 đồng/USD – ở mức cao nhất từ trước đến nay; tăng 59 đồng so với phiên giao dịch từ sau Tết Nguyên đán đến nay.
Tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng hôm đó đã leo lên 22.926 đồng/USD và tỷ giá sàn là 21.590 đồng/USD.
Trong khi đó, giá mua – bán USD tại nhiều ngân hàng theo đó cũng tăng thêm 30-50 đồng mỗi chiều. Có thời điểm, giá USD bán ra trên biểu niêm yết của một số ngân hàng thương mại đã lên mức 22.860 – 22.870 VND. Giá USD ngoài thị trường “chợ đen” cũng tăng mạnh lên 22.910 đồng. Tuy nhiên, ngay sau đó cơn sốt đã nhanh chóng được hạ. Đến cuối tuần, giá đồng bạc xanh đã có dấu hiệu đi xuống.
Trao đổi với chúng tôi một chuyên gia ngân hàng cho rằng biến động của tỷ giá xuất phát từ nhu cầu của một số doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa với số lượng hàng triệu USD. Điều này đã đẩy tỷ giá ở một vài ngân hàng lớn lên cao kéo theo sự tăng giá USD ở một loạt các ngân hàng khác; và đây rất có thể chỉ là xu hướng tạm thời.
Ngoài ra, chủ yếu do yếu tố tâm lý thị trường về tình huống Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể tăng lãi suất thêm hai lần nữa trong năm 2017, thậm chí được chờ đợi ở kỳ họp gần kề ngày 14/3 tới. Nhưng lý do này cũng không thực sự quá đáng lo, bởi lãi suất huy động USD vẫn được NHNN khống chế ở mức trần 0%/năm.
Trong báo cáo mới công bố có phần lý giải hiện tượng tỷ giá VND/USD xu hướng tăng trong 2 tháng đầu năm 2017, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng nguyên nhân do nhập siêu trong 2 tháng đầu năm 2017 là 46 triệu USD, trong khi đó cùng kỳ các năm trước, cán cân thương mại thường xuất siêu.