Mọi người dùng lá tía tô như một loại gia vị hoặc rau thơm giúp tăng sự hấp dẫn của món ăn, mà không biết rằng loại lá này có những công dụng bất ngờ cho sức khỏe.
Tía tô thuộc họ Lamiaceae, có loại lá màu tím hung và màu xanh lục, vị cay, tính ấm. Theo Y học cổ truyền Trung Quốc, tía tô tác dụng tán phong hàn, hóa đờm, giải độc, hỗ trợ chữa hen suyễn, lưu thông khí huyết.
Nghiên cứu hiện đại cũng phát hiện ra rằng các thành phần chính của dầu tía tô gồm: axit α-linolenic, axit palmitic, axit linoleic, axit oleic, axit stearic, vitamin E và các nguyên tố vi lượng khác. Dưới đây là những lợi ích mà lá tía tô mang lại.
Chống dị ứng, hỗ trợ điều trị ho, giảm viêm
Y học cổ truyền cho rằng tía tô có thể dùng để chữa ho. Một nghiên cứu của Nhật Bản từng chỉ ra rằng chiết xuất tía tô có thể ức chế phản ứng dị ứng trên da chuột.
Lá tía tô chứa nhiều loại flavonoid, axit rosmarinic, vitamin K, B-carotene và các thành phần khác có tác dụng phục hồi chức năng miễn dịch, giảm phản ứng viêm và đặc biệt có tác dụng đối với đường hô hấp.
Vì vậy, lá tía tô rất hữu ích trong việc giảm bớt hoặc loại bỏ các triệu chứng dị ứng. Perillaldehyde là nguồn gốc tạo ra mùi thơm của tía tô, loại lá này có tác dụng thúc đẩy tiết dịch tiêu hóa, an thần, loại bỏ buồn nôn và nôn.
Làm đẹp da
Trong lá tía tô chứa beta carotene, là một chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho quá trình trao đổi chất.
Nó cũng có tác dụng chống oxy hóa và có thể làm giảm tổn thương do kích thích tia cực tím đối với tế bào da. Chất này còn thúc đẩy quá trình trao đổi chất bình thường của da và có tác dụng làm đẹp da.
Phòng tránh mất trí nhớ ở người già
Bệnh mất trí nhớ Alzheimer là do sự tích tụ “protein β-amyloid” trong não. Thành phần “axit rosmarinic” có trong tía tô có tác dụng ức chế sự tích tụ protein β-amyloid và chống trầm cảm.
Kháng khuẩn, kháng virus
Lá tía tô nhiều tác dụng dược lý như kháng khuẩn, kháng virus, cầm máu, chống oxy hóa và chống khối u. Đã có nghiên cứu chứng minh dịch chiết xuất từ lá tía tô có thể ức chế sự gia tăng của virus SARS-CoV-2, ngăn chặn virus gây bệnh đường hô hấp khác xâm nhập vào cơ thể.
Tía tô tác dụng thanh nhiệt, trừ cảm cho người có triệu chứng cảm lạnh. Ngoài ra, lá tía tô có thể dùng nấu cùng với gừng làm nước ngâm chân, chống hôi chân, lưu thông khí huyết.
Kích thích ăn ngon
Mùi thơm của lá tía tô có tác dụng kích thích thần kinh khứu giác, thúc đẩy tiết dịch dạ dày và tăng cảm giác thèm ăn. Một số món ngon có thể kết hợp cùng lá tía tô để gia tăng gia vị như cháo thịt tía tô, ốc om chuối đậu, cà bung…