Tuần này đã chứng kiến sự tăng mạnh của tỉ giá VND/USD trong hệ thống ngân hàng với mức tăng hàng trăm đồng và đạt mức cao nhất từ trước đến nay.
Sự gia tăng này có thể là điều khó hiểu với một số người nếu cứ xét theo những yếu tố “thuận lợi” ủng hộ sự ổn định tỉ giá vẫn được viện dẫn đến từ trước đến nay như cán cân cung cầu ngoại tệ không có đột biến, nguồn cung USD vẫn dồi dào do FDI vẫn khả quan và có thặng dư thương mại, đã qua mùa cao điểm thanh toán cuối năm thường làm tăng cầu USD v.v…
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ hơn những biến động các yếu tố cơ bản trong ngắn và trung hạn thời gian qua thì sẽ thấy sự gia tăng tỉ giá như hiện nay không chỉ là kết quả tất yếu của những yếu tố thị trường khách quan mà còn phù hợp ngay với những định hướng chính sách.
Trước tiên, xét về yếu tố thị trường khách quan, phải kể đến sự lên giá đáng kể của đồng USD trong nửa tháng qua, bắt đầu đi lên từ mức 99,512 ngày 31/1 và tăng một mạch lên mức 101,24 ngày 15/2 là mức cao nhất trong hơn một tháng qua (Biểu 1). Như vậy, USD đã lên giá 1,7% so với rổ các đồng tiền chủ chốt dùng để xác định chỉ số dollar.
Trong khi đó, như ở Biểu 2 cho thấy, tỉ giá VND/USD cũng có xu hướng đi lên khá rõ rệt trong cả 1 tháng qua, trừ một số ngày chững lại và/hoặc giảm nhẹ. Nếu xét trong cùng kỳ từ ngày 31/1 đến 15/2 thì tỉ giá VND đã tăng 0,6%, từ mức tương ứng là 22,643 lên 22,773. Trong bối cảnh có sự mạnh lên của USD, và tương ứng với đó là sự yếu đi tương đối của các đồng tiền chính trên thế giới, việc VND mất giá so với USD là điều gần như tất yếu, tuy sự mất giá của VND vẫn còn khá khiêm tốn so với mức mất giá chung của các đồng tiền khác (tương ứng là 0,6% so với 1,7%), và điều này có được chính là nhờ việc đồng USD vẫn có mặt bên cạnh các đồng tiền chủ chốt khác trong rổ các đồng tiền để NHNN làm một cơ sở xác định tỉ giá trung tâm và điều hành tỉ giá.
Chuyển sang yếu tố định hướng chính sách của Chính phủ và NHNN. Trong năm 2017 Chính phủ yêu cầu NHNN kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định kinh tế vĩ mô và góp phần tăng trưởng kinh tế hợp lý; điều hành tỉ giá hợp lý, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước.
Trong yêu cầu và định hướng trên, rõ ràng lạm phát được xác định là mục tiêu số 1. Ổn định tỉ giá như các năm trước đã không còn được đặt ra, thay vào dó là để cho tỉ giá diễn biến “phù hợp”với các yếu tố trong và ngoài nước. Ý nghĩa của định hướng này là NHNN có nhiều dư địa chính sách hơn với tỉ giá, có thể để biến số này biến động nếu thực tiễn đòi hỏi phải vậy.
Quay trở lại với diễn biến tỉ giá gần đây. Lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh tháng 1 như là kết quả của việc NHNN đã bơm mạnh thanh khoản trước Tết (một phần thông qua việc mua vào hàng tỉ USD trong tháng 1). Để giảm áp lực lạm phát, NHNN gần đây hơn đã phải liên tục hút bớt thanh khoản qua thị trường mở OMO. Nhưng điều này lại dẫn đến một kết quả không mong muốn là làm gia tăng áp lực lên lãi suất, gây khó khăn cho việc vay vốn với lãi suất thấp hơn của doanh nghiệp, đi ngược lại với yêu cầu của Chính phủ với NHNN là điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng.
Để tránh tình trạng tiến thoái lưỡng nan trên, NHNN buộc phải chuyển sang hỗ trợ tăng trưởng thông qua kênh tỉ giá, tức là để VND yếu đi so với USD qua đó kích thích xuất khẩu để bù đắp tác động tiêu cực của việc thắt chặt hơn cung tiền làm tăng áp lực lên lãi suất.
Lưu ý rằng việc nới lỏng tỉ giá vẫn có thể thực hiện được trong bối cảnh NHNN đã chủ động thắt chặt lại hơn cung tiền thông qua việc ngừng bán hoặc bán USD với giá cao hơn nhằm đẩy tỉ giá lên. Và việc để tỉ giá biến động đi lên như vừa qua cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn khách quan là USD đã mạnh lên so với các đồng tiền khác, đúng như chỉ đạo của Chính phủ. Chủ trương nới lỏng tỉ giá này của NHNN cũng được thể hiện rõ qua sự biến động đáng kể theo hướng đi lên của tỉ giá trung tâm mấy ngày gần đây.
Cũng lưu ý thêm rằng việc VND mới chỉ mất giá vừa phải so với USD trong khi các đồng tiền chủ chốt khác mất giá nhiều hơn cho thấy thực ra VND đã lên giá so với các đồng tiền chủ chốt nói chung, và , do đó, đã có tác động tiêu cực lên xuất khẩu của Việt Nam.
Tóm lại, trong bối cảnh có sự thay đổi trật tự ưu tiên các mục tiêu điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ và những diến biến bất lợi trong và ngoài nước, việc tỉ giá VND/USD có xu hướng đi lên là tất yếu.