Sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng để chứng minh việc gửi tiền ở ngân hàng. Nhiều người không khỏi hốt hoảng khi bị mất sổ tiết kiệm và không biết bị mất sổ tiết kiệm có rút tiền được không và khi bị mất sổ thì nên xử lý như thế nào?
Sổ tiết kiệm là giấy tờ quan trọng, làm căn cứ, chứng minh cho việc bạn gửi tiết kiệm ở ngân hàng. Thông thường, khi làm thủ tục gửi tiền tiết kiệm ngân hàng, người gửi sẽ nhận được sổ tiết kiệm có các thông tin như thông tin cá nhân của người gửi, số tiền gửi, kỳ hạn cũng như lãi suất được hưởng. Vì vậy, khi gửi tiền tại ngân hàng, khách hàng cần bảo quản sổ tiết kiệm của mình thật tốt và thường xuyên kiểm tra các thông tin cá nhân, số dư tài khoản tiết kiệm để đảm bảo an toàn.
Hiện có hai loại sổ tiết kiệm là sổ tiết kiệm truyền thống và sổ tiết kiệm online. Đối với hình thức gửi tiết kiệm truyền thống, nhiều người không khỏi băn khoăn khi làm mất sổ tiết kiệm thì xử lý như thế nào.
Đối với việc này, Điều 16 Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định: Tổ chức tín dụng hướng dẫn việc xử lý đối với trường hợp nhàu nát, rách, mất Thẻ tiết kiệm và các trường hợp rủi ro khác đối với tiền gửi tiết kiệm phù hợp với quy định của pháp luật có liên quan, mô hình quản lý, đặc điểm, điều kiện kinh doanh của tổ chức tín dụng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Theo các ngân hàng, khi bị mất sổ tiết kiệm, khách hàng cần ngay lập tức thông báo kịp thời việc mất sổ tiết kiệm cho ngân hàng để tiến hành thủ tục phong tỏa sổ tiết kiệm, tránh bị lợi dụng gây tổn thất về tài sản.
Sau khi hoàn tất thủ tục xác minh danh tính, sở hữu, nếu sổ tiết kiệm của KH chưa tất toán và không bị phong tỏa trước đó thì dù bị mất sổ tiết kiệm thì vẫn rút được tiền hoặc cấp lại sổ tiết kiệm mới. Khách hàng cần cung cấp các giấy tờ tùy thân, cũng như chữ ký khớp với thông tin ban đầu làm việc với ngân hàng là có thể rút tiền ngay lập tức.
Trường hợp sổ tiết kiệm đồng chủ sở hữu, cả 2 đồng chủ sở hữu tiền gửi tiết kiệm phải ra làm thủ tục rút tiền hoặc 1 trong 2 người thực hiện theo ủy quyền của đồng chủ sở hữu còn lại, trừ khi các bên đã có thỏa thuận cụ thể trong bản cam kết về đồng chủ sở hữu.