Tại các chi nhánh Agribank khu vực TP.HCM hiện có khoảng 10 vụ án hình sự, 847 vụ án dân sự và tranh chấp dân sự, tổng dư nợ liên quan là 15.000 tỷ đồng, trong khi ngân hàng đang vướng mắc lớn nhất là khâu thi hành án để xử lý tài sản thế chấp các khoản vay.
Ông Nguyễn Minh Trí, thành viên Hội đồng thành viên ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam ( Agribank ), cho biết tính đến hết năm 2016, Agribank khu vực TP.HCM có 43 chi nhánh, 174 điểm giao dịch, 3.200 cán bộ. Mạng lưới và quy mô nhân lực lớn nhất hệ thống ngân hàng nhưng chất lượng và hiệu quả hoạt động kém nhất.
Trong năm 2016, kết quả hoạt động Agribank khu vực TP.HCM âm gần 2.500 tỷ đồng, giảm âm so với năm 2015 gần 1.000 tỷ đồng.
Nợ xấu bán cho công ty Quản lý tài sản Quốc gia (VMAC) tính riêng khu vực TP.HCM chiếm khoảng 42% toàn hệ thống, nợ xấu xử lý cho khu vực TP.HCM chiếm trên 30%.
Năm 2016, riêng khu vực Agribank TP.HCM thu về 4.330 tỷ đồng từ việc bán nợ xấu cho VAMC, thu 1.650 tỷ đồng từ việc xử lý từ dự phòng rủi ro.
Hiện nay, tại các chi nhánh Agribank khu vực TP.HCM có khoảng 10 vụ án hình sự, 847 vụ án dân sự và tranh chấp dân sự, tổng dư nợ liên quan là 15.000 tỷ đồng, chiếm 40% tổng nợ xấu nội – ngoại bảng của Agribank khu vực TP.HCM. Trọng tâm năm 2017 là xử lý các khoản nợ xấu này.
Kiến nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tăng cường phối hợp với tòa án, viện kiểm sát và đặc biệt là cơ quan thi hành án để xử lý tài sản thế chấp liên quan đến các khoản vay mà khách hàng không trả nợ được.
Do đó, năm 2017, toàn hệ thống Agribank sẽ chấn chỉnh lại hoạt động cho vay để giảm thiểu sự gia tăng của nợ xấu. Những chi nhánh Agribank nào có nợ xấu nội bảng trên 5% hoặc trên 20% nợ xấu nội – ngoại bảng sẽ không có chuyện cho vay vượt quyền.
Về dư nợ cho vay bất động sản, đến nay Agribank còn dư nợ khoảng 3.900 tỷ đồng. Thời gian tới, ngân hàng cũng siết cho vay bất động sản để hạn chế rủi ro.
Đối với Agribank, cải thiện được khu TP.HCM là cải thiện phần lớn khó khăn của ngân hàng.