Để có được hàng triệu tấn tóc mỗi năm cho ngành công nghiệp thời trang tại các quốc gia phát triển, nhiều người phụ nữ Ấn Độ đã phải chấp nhận kiếp sống “nuôi tóc kiếm tiền”.
Ngồi trong một salon tóc sang trọng tại thủ đô London, Anh, cô gái thời thượng tuổi ngoài 30 Naomi đang say sưa ngắm nhìn bộ tóc mới có giá đến gần 30 triệu VNĐ của mình. Chẳng phải thứ tóc làm bằng nilon cứng ngắc như của mấy con búp bê rẻ tiền mà là một bộ tóc mềm mượt, hàng xịn và trông như thật.
Vì đơn giản, nó là tóc người thật
Với hàng triệu tấn tóc được nhập vào Anh mỗi năm để phục vụ cho những cô nàng như Naomi và giới ăn chơi, sành điệu, liệu người ta đã bao giờ tự hỏi số tóc này tới từ đâu?
Một salon tóc tại Anh.
Những người hiến tóc
Tại ngôi đền Yadagirigutta miền nam Ấn Độ, những người phụ nữ nghèo ngồi chờ kiên nhẫn tới lượt cắt tóc. Phần lớn đều là những mái tóc chưa nhuộm màu hay tạo kiểu gì cả. Tóc của họ được gọi bằng cái tên “mái tóc trinh nữ” và thường được trả giá cao bởi những người mua tóc.
Tuy nhiên, bản thân những người hiến tóc sẽ không được trả bất cứ cái gì và họ cũng không muốn gì cả. Một cô gái cho biết: “Tôi làm thế vì tôi muốn cảm ơn tới Chúa và tôi không quan tâm tóc tôi sẽ được làm gì sau đó”.
Những người phụ nữ tại Ấn Độ thường hiến tóc mình cho các đền thờ Hindu dù biết rằng mái tóc sẽ được bán cho những tay buôn để gây quỹ. Tóc của những cô gái tại Ấn Độ thường được đánh giá cao vì họ không sử dụng dầu gội đầu hóa chất. Họ cũng chải đầu thường xuyên và dùng dầu dừa để giữ tóc óng mượt.
Chính vì vậy, Ấn Độ là quốc gia xuất khẩu tóc hàng đầu trên thế giới.
Một người phụ nữ đang được cạo đầu tại Ấn Độ.
Người nghèo là đối tượng của những người buôn tóc
Tại Ấn Độ, những kẻ buôn tóc hay nhắm vào những người đàn ông. Họ sẽ trả cho các ông chồng khoảng 150 nghìn VNĐ nếu họ thuyết phục được vợ họ bán tóc. Đã có nhiều trường hợp người vợ bị ép phải bán, thậm chí là đánh đập. Trẻ em nghèo cũng bị lừa bán tóc để đổi lấy đồ chơi.
Những người phụ nữ tại các quốc gia như Brazil hay Peru được đánh giá cao vì mái tóc dày dặn. Nếu những người phụ nữ nông thôn đồng ý bán tóc, những kẻ đi buôn sẽ xử lý tóc ngay tại chỗ. Tuy nhiên, tóc của người Trung Quốc lại không được đánh giá cao.
Thậm chí, tại nhiều nơi như Nga, Ukraina, người ta còn đồn đại rằng những phần tóc để làm tóc nối, tóc giả được lấy từ tóc của tù nhân.
Tóc của những người phụ nữ tại Ấn Độ đang được xử lý.
Trung bình một người phụ nữ sẽ rụng 50 – 100 sợi tóc một ngày. Và chắc chắn, những kẻ buôn tóc cũng không muốn bỏ phí những loại tóc như vậy. Họ thường đến các cửa hàng làm tóc để thu thập những phần tóc sau khi cắt xong.
Thông thường với những phần tóc hư tổn này, họ sẽ mua đuộc với giá rẻ hoặc đổi bằng những vật phẩm khác. Tùy vào loại tóc khác nhau mà người ta sẽ chế ra được những bộ tóc giả hay tóc nối với chất lượng khác.
Nền công nghiệp “vàng đen”
Được gọi bằng cái tên “vàng đen”, ngành công nghiệp tóc giả đang trở nên hái ra tiền và nhiều người không ngoa khi ví tóc như vàng. Để sản xuất được một bộ tóc giả có chất lượng đòi hỏi rất nhiều công đoạn và cả những bí mật nhà nghề không được tiết lộ.
Đầu tiên, công việc của họ sẽ là gỡ tóc. Thông thường một nhân công chỉ gỡ được 150g tóc mỗi ngày. Công việc này khá vất vả và đòi hỏi tính tỉ mẩn rất cao. Sau đó, tóc sẽ được làm mượt và chải bằng lược để có được độ mượt và vào hình như mong muốn. Và cuối cùng, người thợ sẽ phải phân tóc thành những đoạn dài bằng nhau và được buộc lại.
Nhuộm màu tóc là một khâu quan trọng để làm ra những bộ tóc giả.
Tất cả các công đoạn đều được làm bằng tay này đòi hỏi sự tỉ mẩn của các công nhân. Tuy nhiên, đa phần các nhà máy được đặt tại những nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmmar với số tiền nhân công được trả rất ít ỏi.
Tóc sau khi đã được “sơ chế” bằng tay sẽ được đem đi nhuộm màu. Tùy vào nhu cầu của khách hàng mà người nhuộm sẽ sử dụng các loại dung dịch hóa học khác nhau. Với những mẫu tóc màu bạch kim, tóc phải được ngầm 20 ngày để có được màu tóc ưng ý. Trong khi đó, với các màu tóc nâu hay đỏ thì chỉ cần 10 ngày.
Thông thường, người ta sẽ pha tóc với lông đuổi ngưa hay dê, hoặc trộn thêm các loại tóc tổng hợp để có lượng tóc nhiều hơn. Tùy vào lượng tóc pha nhiều hay ít mà các bộ tóc giả hay tóc nối sẽ có giá khác nhau.
Những người phụ nữ đang giặt tóc.
Những cái giá trên trời
Thông thường, những tay bán buôn tại Mỹ có thể kiếm bộn tiền từ những phi vụ mua bán tóc. Còn nơi cung cấp hàng, các nhà máy tại châu Á chỉ được trả một khoản rất nhỏ. Gloria King, một người bán tóc tại Mỹ cho biết.
“Những người lao động thường rất nghèo. Chúng tôi chỉ phải trả 45$ (1 triệu VNĐ) và họ có thể nuôi gia đình trong 3 tuần”.
Thông thường, những nhà tạo mẫu tóc sẽ ăn lợi nhuận gấp đôi, gấp ba từ khách hàng. Trung bình một khách làm tóc sẽ phải trả từ 20 triệu VNĐ – 30 triệu VNĐ cho một lần làm tóc, tùy vào độ dài và số lượng.
Những người phụ nữ đang giặt tóc.
Một xưởng làm tóc giả, tóc nối tại Ấn Độ, nơi những mái tóc đang được giặt sạch qua trước khi xử lý. Mỗi ngày, các công nhân sẽ gỡ được 150g tóc/người.
Một nhà máy làm tóc tại Trung Quốc.
Phần tóc giả và tóc nối thành phẩm tại một gia đình làm tóc Ấn Độ.
Những người phụ nữ đang rao bán tóc tại Ấn Độ.
Mẫu mã và màu sắc đa dạng của tóc giả, tóc nối.
Một cửa hàng bán tóc giả tại châu Phi.