Không phải tự dưng mà người ta nói rằng, “Giàu không tiết kiệm nghèo liền tay, nghèo không tiết kiệm sớm ăn mày”. Người ta giàu vì biết lao động, giàu hơn nữa vì biết tiết kiệm chi tiêu.
1. Luôn biết tài khoản còn bao nhiêu tiền
Ghi nhớ con số tiền mặt hoặc tài khoản ngân hàng của mình còn bao nhiêu tiền, trong đó có bao nhiêu tiền sẽ sử dụng cho các khoản chi tiêu cần thiết, bao nhiêu tiền rảnh rỗi dùng để chi tiêu tự do… là điều vô cùng quan trọng.
Nếu có thể, ngay khi có một nguồn thu nào đó, hãy vạch ra những kế hoạch mà bạn sẽ sử dụng khoản tiền đó. Nên làm rõ được hai điều: Bạn sẽ dùng tiền vào những mục đích gì và sẽ chi tiêu nó trong bao lâu?
2. Tìm niềm vui miễn phí
Để giảm ngân sách giải trí, bạn có thể dành một ngày cho những thú vui không tốn kém ví dụ như đi bộ đường dài ngoài trời. Trong thành phố có rất nhiều công viên miễn phí, thư thả đi bộ và ngắm phong cảnh bên đường cũng là một cách hữu hiệu để giải tỏa căng thẳng.
Nếu trời lạnh, hãy đến hiệu sách. Đừng ôm điện thoại mà hãy đọc một vài cuốn sách để giải tỏa tâm trạng.
3. Cắt truyền hình cáp
Bây giờ ngày càng ít người sống độc thân sử dụng tivi và truyền hình cáp để giải trí. Đó là lý do mà bạn hoàn toàn có thể tiết kiệm rất nhiều tiền từ việc không sử dụng tivi, ngừng đăng ký dịch vụ của truyền hình cáp.
Để giải trí ở nhà, mọi người chỉ cần sử dụng điện thoại hoặc máy tính truy cập mạng Internet đã có thể xem được rất nhiều điều thú vị.
4. Bán lại những món đồ không cần thiết
Trong quá trình mua sắm, chúng ta thường trở nên “bốc đồng” khi gặp những đợt khuyến mại. Mọi người có thể mua sắm quá đà mà không nghĩ đến tính ứng dụng của một sản phẩm nào đó.
Chúng ta có thể bán những món đồ không cần thiết này thông qua một số website, group trên mạng xã hội chuyên dùng để thanh lý. Đừng thấy tiếc vì vật phẩm chỉ bán được giá rẻ mà tiếp tục để trong nhà, vừa tốn diện tích, vừa không sử dụng đến.
Trong một số trường hợp, thông qua các mạng lưới mua bán thanh lý, bạn còn có thể tiếp cận được rất nhiều sản phẩm hữu ích với chất lượng tốt, có giá cả rất phải chăng.
Giảm bớt những món đồ không cần thiết. Ảnh: Internet
5. Học cách quản lý tiền bạc
Bạn không quan tâm tới tiền bạc thì chúng sẽ bỏ bạn mà đi. Học cách quản lý càng sớm thì nguồn tài chính của bạn càng trở nên khoa học hơn.
Lập kế hoạch chi tiêu thích hợp để căn bằng giữa nguồn thu nhập với các khoản phải chi. Nếu nhu cầu chi tiêu vượt quá số tiền đang có, bạn phải tìm cách nâng cao thu nhập đầu vào, hoặc cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.
Khi quản lý chi tiêu hiệu quả, bạn sẽ có thể dư ra rất nhiều khoản tiền rảnh rỗi, là nguồn tài sản tích lũy để đầu tư hoặc gửi tiết kiệm.
6. Lập các nhóm mua chung với bạn bè, người thân
Bao giờ đi mua đồ với số lượng lớn cũng có lợi hơn so với việc mua đồ với số lượng nhỏ. Để giảm thiểu chi phí một cách hiệu quả, bạn cũng có thể lập nhóm mua chung với người quen xung quanh.
Chẳng hạn, hai nhà là hàng xóm có thể cùng nhau mua các vật dụng hàng ngày như kem đánh răng, bàn chải, bột giặt, dầu gội, dầu xả, xà phòng, giấy vệ sinh… theo lốc to, thường được bán với giá rẻ hơn là mua từng sản phẩm riêng lẻ. Sau đó, mọi người sẽ chia đôi với nhau để giảm chi phí. Hoặc khi đi mua thực phẩm, họ cũng có thể mua nhiều hơn khẩu phần ăn của gia đình, sau đó chia sẻ với người quen…
7. Mua sắm trái mùa
Trong khi những người khác mua tủ lạnh và điều hòa vào mùa hè, mua quần áo bông vào mùa đông thì bạn hoàn toàn có thể làm ngược lại. Nếu bạn mua quần áo bông vào mùa hè và tủ lạnh, điều hòa vào mùa đông, rất có thể bạn sẽ được giảm giá rất nhiều.
Tất nhiên, chúng ta cũng cần quan tâm đến chất lượng hay thời hạn sử dụng của các sản phẩm khi “mua sắm trái mùa”. Tốt nhất, chỉ nên áp dụng với những sản phẩm có thể sử dụng lâu dài chứ không nên mua thực phẩm trái mùa.
Tránh mua sắm vào “mùa cao điểm” có thể giảm bớt chi phí. Ảnh: Internet
8. Tái sử dụng đồ cũ
Có rất nhiều bộ quần áo cũ, sờn rách một vết nhỏ, nhưng mọi người đã không thể mặc được nữa. Thay vì vứt chúng đi, bạn hoàn toàn có thể tận dụng phần vải này cho những vật dụng nhỏ trong nhà, ví dụ như làm khăn lau, làm vải phủ bếp, làm vỏ gối, hoặc mix – match thành đồ phụ kiện xinh xắn dành cho những người khéo tay…
Tương tự như vậy, bạn có thể tìm ra cách tận dụng rất nhiều món đồ cũ khác nhau trong nhà, cho chúng một “nhiệm vụ” và “vị trí” khác hữu ích hơn. Bằng cách này, chúng ta vừa hạn chế rác thải ra môi trường, vừa có thể giảm bớt một số chi phí không cần thiết.
9. Một lối sống lành mạnh
Không có chi phí nào đắt đỏ như chi phí dành cho sức khỏe. Do đó, khi ngày một trưởng thành và ý thức được tầm quan trọng của sức khỏe, chúng ta hãy duy trì một lối sống lành mạnh cho bản thân. Chẳng hạn như dành ra 30 phút mỗi ngày để tập thể dục, không bao giờ thức khuya, luôn ngủ đủ giấc, hạn chế ăn ngoài và giảm thiểu lượng đường nạp vào cơ thể.
Điều này không chỉ có thể duy trì hoặc cải thiện sức khỏe, giảm chi phí y tế, mà còn trực tiếp giảm chi tiêu cho thực phẩm, các loại thuốc thang…
*Theo Aboluowang