Wifi cho phép bạn làm việc, giao tiếp và giải trí. Nhưng sẽ vô cùng bực bội khi nó không hoạt động hoặc không cung cấp đủ tín hiệu bạn cần.
Một số người đã thử tự làm một cái lồng bằng kim loại xung quanh ăng ten của router (bộ định tuyến hay bộ phát wifi) nhưng cách làm này có thể phản tác dụng và làm yếu đi Wifi.
Dưới đây là một số mẹo có thể giúp bạn “kích” Wifi của mình.
1. Sử dụng bộ kích sóng hoặc Wifi mesh
Một lý do chính khiến sóng Wifi yếu là do bạn ở quá xa router. Bạn nên thử đầu tư vào bộ kích sóng hoặc giải pháp Wifi mesh (Wifi lưới).
Đúng như tên gọi, bộ kích sóng sẽ nhận tín hiệu từ router sau đó phát lại sóng từ ăng ten của chính nó. Lúc này bộ kích sóng sẽ có tương đương một router phụ và các thiết bị nằm trong vùng phủ sóng của nó chắc chắn sẽ nhận được tín hiệu.
Mặc dù phương án này sẽ có độ trễ nhất định, nhưng rõ ràng điều này tốt hơn nhiều so với việc sóng wifi không thể đến được chỗ bạn.
Wifi mesh sẽ tốn tiền hơn so với bộ kích sóng, nhưng nó đi cùng với tín hiệu mạnh hơn. Giải pháp này bao gồm việc đặt một loạt điểm phát Wifi xung quanh nhà để dù ở đâu thiết bị nhận cũng ở gần thiết bị phát.
2. Khởi động lại hoặc thay mới router
Đôi khi, giải pháp đơn giản nhất cũng là giải pháp tốt nhất.
Nếu bạn vẫn tiếp tục gặp các sự cố dù ở gần router, bạn có thể thử khởi động lại nó bằng ách rút phích cắm điện và tháo mọi dây mạng.
Hãy đợi từ 10 giây đến 1 phút trước khi cắm lại mọi thứ (khôi phục router về cài đặt gốc cũng là một phương án)
Nếu không có gì cải thiện, có thể router đã lỗi thời và bạn cần thay thế nó.
Và nếu thiết bị của bạn là một router tích hợp trong moderm (bộ giải mã) đi cùng với hợp đồng cung cấp dịch vụ Internet, bạn có thể yêu cầu họ đổi cái mới hơn.
3. Thay đổi vị trí đặt router
Nếu router mới được trang bị trong vòng 1 năm thì nguyên nhân có thể liên quan đến vị trí đặt nó trong nhà bạn.
Mặc dù bộ kích sóng hoặc Wifi mesh có thể hỗ trợ mở rộng khoảng cách, nhưng có những yếu tố khác cần tính đến liên quan tới router.
Nếu có thể, bạn nên đặt nó ở vị trí trung tâm nhà, ở trên cao – và nếu nó nằm ở tầng 2, bạn nên thử đặt nó gần sàn nhà.
Bạn cũng nên tránh đặt nó ở gần tường và các chướng ngại vật khác vì chúng có thể làm giảm cường độ tín hiệu.
4. Điều chỉnh ăng ten của router
Với những router có ăng ten ngoài thì nếu nhà của bạn chỉ có 1 tầng, việc đặt ăng ten ở góc 45 độ là hoàn hảo để tín hiệu wifi phát ra đồng đều nhất.
Nếu router ở tầng hai thì ăng ten cần phải song song với mặt sàn, điều này khiến tín hiệu được phát đồng đều trên cả hai tầng.
Trong trường hợp router bị che khuất, hãy bố trí để ăng ten nhô ra ngoài vật cản.
Nếu ăng-ten nằm bên trong router, rõ ràng bạn sẽ không thể điều chỉnh nó.
Tuy nhiên bạn nên đặt nó thẳng đứng hoặc nằm ngang theo hướng dẫn của nhà sản xuất – mặc dù router không phải là thứ gì quá đẹp đẽ nhưng bạn cũng không nên giấu chúng sau một cái cây hoặc sâu trong giá sách vì điều này sẽ cản trở tín hiệu wifi.
5. Giữ router xa các nguồn gây nhiễu
Nhiễu từ các thiết bị khác trong nhà có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tín hiệu wifi.
Những thiết bị này có thể bao gồm những thứ tưởng chừng an toàn như tủ lạnh, tivi, lò vi sóng do chúng tạo ra trường điện từ có thể cản trở hoặc làm suy yếu sóng wifi.
Tuy nhiên các thiết bị có thể kết nối Internet mới thực sự “nguy hiểm” ví dụ như đèn thông minh hay loa thông minh…
Để đảm bảo tín hiệu wifi mạnh nhất có thể, bạn nên đặt router cách xa các thiết bị có thể gây nhiễu tối thiểu là 1 mét.