Nên mua chứng chỉ tiền gửi hay gửi tiết kiệm ngân hàng?

Nhà đầu tư nên gửi tiết kiệm ngân hàng hay mua chứng chỉ tiền gửi để lợi ích đạt tối đa khi hàng loạt các ngân hàng tăng lãi suất huy động gần đây, một số nhà băng thì phát hành chứng chỉ tiền gửi để hút vốn?

TIN MỚI
Nên mua chứng chỉ tiền gửi hay gửi tiết kiệm ngân hàng?- Ảnh 1.

Bước sang tháng 5, hàng loạt ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất tiết kiệm, chủ yếu tại các kỳ hạn 6 tháng trở lên. Nếu như trong tháng 4, xu hướng này chủ yếu diễn ra ở các ngân hàng nhỏ thì hiện đã lan rộng ra các ngân hàng lớn trong hệ thống. Phần lớn các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm thêm 0,2 – 0,3%/năm, thậm chí có ngân hàng tăng mạnh 0,8% ở một vài kỳ hạn.

Bên cạnh đó, một số ngân hàng trở lại phát hành chứng chỉ tiền gửi để thu hút nguồn huy động dài hạn.Mới đây,Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã triển khai phát hành sản phẩm chứng chỉ tiền gửi cho các khách hàng cá nhân với mức lãi suất lên tới 8%/năm. Theo PVComBank, chứng chỉ tiền gửi nhằm đáp ứng nhu cầu tối ưu nguồn vốn của các nhà đầu tư.

Theo đó, chứng chỉ tiền gửi của PVcomBank dành cho khách hàng cá nhân, có mức lãi suất cố định 8%/năm và kỳ hạn lên tới 85 tháng. Thời gian phát hành từ ngày 02/05/2024 đến hết ngày 31/12/2024 hoặc đến khi hết hạn mức 3.000 tỷ đồng (tùy thời điểm nào đến trước). Với mệnh giá chỉ từ 10 triệu đồng, khách hàng có thể dễ dàng tham gia đầu tư, gửi tiết kiệm, tối ưu dòng tiền nhàn rỗi một cách an toàn. PVcomBank thực hiện trả lãi trước định kỳ hàng tháng cho khách hàng.

Chứng chỉ tiền gửi (Certificate of Deposit – CD) là loại giấy tờ có giá do tổ chức tài chính/ngân hàng phát hành nhằm huy động vốn tổ chức, cá nhân khác ở trong nước. Chứng chỉ này có tính chất khá giống một cuốn sổ tiết kiệm mà bạn gửi vào ngân hàng, tuy nhiên vẫn có một số điểm khác biệt.

Về kỳ hạn, chứng chỉ tiền gửi có thời hạn gửi tiền nhất định và thường có kỳ hạn dài hay trung hạn. Trong khi đó, tiền gửi ngân hàng linh hoạt hơn, có thể ngắn hạn chỉ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng; cho đến thời hạn dài từ 12 tháng, 36 tháng…Chẳng hạn như ở trên, chứng chỉ tiền gửi của PVComBank có kỳ hạn tới 85 tháng (7 năm, 1 tháng). Gửi tiết kiệm ngân hàng thông thường hiếm khi có kỳ hạn dài như vậy.

Về tính thanh khoản, chứng chỉ tiền gửi có tính thanh khoản thấp hơn, yêu cầu khoản tiền ban đầu được giữ trong tài khoản cho đến khi hết hạn. Tuy nhiên, khách hàng có thể chuyển nhượng hoặc cầm cố chứng chỉ tiền gửi tùy theo thỏa thuận, giúp họ linh hoạt hơn, tăng cường khả năng thanh khoản.

Trong khi, tiền gửi ngân hàng có tính thanh khoản cao, người gửi tiền có thể dễ dàng rút trước hạn, rút một phần hoặc toàn bộ. Trường hợp khách hàng rút một phần tiền gửi, mức lãi suất của phần tiền gửi rút trước hạn được tính giống với trường hợp khách hàng rút toàn bộ số tiền gửi. Phần tiền gửi còn lại, lãi suất được tính theo mức đang áp dụng với tài khoản tiết kiệm như đã thỏa thuận.

Đặc biệt lãi suất là điều mà người gửi quan tâm nhất. Lãi suất của chứng chỉ tiền gửi thường cao hơn nhiều so với tiền gửi tiết kiệm thông thường do có kỳ hạn dài.

Với chứng chỉ tiền gửi, khách hàng có thể bị phạt khi rút tiền trước thời hạn hoặc khi không thực hiện đúng cam kết. Tiền gửi tiết kiệm không có phí phạt này (trừ một số sản phẩm tiền gửi đặc biệt).

Như vậy, việc lựa chọn đầu tư vào chứng chỉ tiền gửi hay gửi tiền tiết kiệm tùy thuộc vào mục tiêu tài chính, nhu cầu về thanh khoản và khả năng linh hoạt. Nhà đầu tư có thể chọn chứng chỉ tiền gửi nếu có thể giữ số tiền gốc trong một khoảng thời gian cụ thể và muốn một kênh đầu tư có lãi suất cao hơn để tối đa hóa thu nhập từ lãi. Ngược lại, có thể chọn gửi tiết kiệm nếu không chắc về việc sẽ sử dụng đến khoản tiền trong tương lai hoặc muốn đầu tư ngắn hạn. 

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin