VND đang đứng trước vòng xoáy tiền tệ khi đồng USD đã tăng giá 3%-4% và có tăng tiếp? Liệu đồng CNY có tiếp tục giảm giá?
Tại buổi hội thảo “Chứng khoán 2017 – Cơ hội không dành cho tất cả” do CTCK Maybank Kim Eng tổ chức tại TP.HCM, TS. Trần Du Lịch, nguyên Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết Việt Nam đang đứng trước giai đoạn có nhiều biến động, thế giới cũng đang theo dõi sát sao động thái của Tổng thống đắc cử Mỹ, ông Donald Trump và liệu việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thực sự tăng lãi suất vào tháng 12/2016 hay không? USD tiếp tục tăng giá sẽ ảnh hưởng tới nhiều đồng tiền khác không chỉ VND .
Theo TS. Lê Anh Tuấn, Kinh tế gia trưởng Dragon Capital, nếu nói về tương lai với chính sách của Trump thì không thể biết rõ ràng, sẽ có những bất ngờ hơn cho giao thương thế giới. Trump sẽ thực thi việc giảm thuế cho doanh nghiệp trong nước, sẽ thực hiện chính sách đồng USD mạnh hơn, lạm phát của Mỹ cũng sẽ tăng nhưng sẽ tốt cho tăng trưởng GDP của Mỹ. Xuất khẩu của Việt Nam dưới chính sách của Trump sẽ có ảnh hưởng.
Năm 2016, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự kiến đạt 6,2%-6,3%, lạm phát dưới 5%, xuất khẩu ròng tăng, dự trữ ngoại hối tăng. Năm 2017, Quốc Hội đang dự kiến: GDP 6,7%, lạm phát 4%, nợ công dưới 60% GDP. Tuy nhiên, kịch bản nào cho tỷ giá khi Trump muốn nâng giá trị đồng USD?
TS. Lê Anh Tuấn cho rằng đồng USD đã tăng giá 3%-4% từ khi Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, nhưng USD không quá mạnh vì nó sẽ làm yếu đi lĩnh vực ngoại thương của Mỹ. Đối với đồng Nhân dân tệ (CNY) cũng đã mất giá trước sự tăng giá của đồng USD nhưng Trung Quốc sẽ không để CNY mất giá quá nhiều. Trong 11 tháng qua, VND đã “rớt giá” khác với CNY.
Đồng quan điểm với TS. Lê Anh Tuấn, TS. Trần Du Lịch cho rằng nếu Trung Quốc để đồng CNY mất giá mạnh thì “sẽ có chuyện với Trump”.
Còn đối với biến động tỷ giá USD/VND vừa qua, TS. Trần Du Lịch cho rằng nguyên nhân là do là tâm lý chứ chưa phải do cung – cầu thị trường. Phải xem biến động của các đồng tiền trong rổ tiền tệ của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm 2016, Ngân hàng Nhà nước đã “tung ra” 10.000 tỷ đồng mua vào USD nhưng đã không gây lạm phát. Việc cuối năm, tỷ giá biến động không phải VND mất giá mà là USD lên giá.
Về vấn đề kiểm soát lạm phát trong thời gian tới của Việt Nam sẽ ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam và tỷ giá? Ông Lịch cho rằng, nếu lạm phát 4%, nhưng lạm phát cơ bản chỉ 2,5% – 2,7% nếu không tính biến động giá nguyên liệu (Việt Nam bảo trợ giá y tế, giáo dục.. mà các nước không có). Việt Nam tăng giá (lạm phát) dưới 5% thì đó là “dầu bôi trơn” cho kinh tế vận hành.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng phải sử dụng nợ công hiệu quả khi đang chiếm 65% GDP, nhiều nước chiếm tới 200% GDP nhưng không vấn đề gì. Vấn đề nợ công của Việt Nam là nợ đáo hạn hằng năm phải trả so với nguồn thu ngân sách như thế nào? Nợ công của Việt Nam cũng không phải là vấn đề vay – không vay, mà đừng để các bên xin – cho chạy dự án và sử dụng vốn vay không hiệu quả.
Việt Nam nên sử dụng nguồn vốn trong nước như vốn mồi để nâng hiệu quả vốn vay, chẳng hạn lấy vốn từ việc thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước để xây dựng hạ tầng… Giai đoạn 2006-2015 Việt Nam phát hành trái phiếu Chính phủ trung hạn quá nhiều, từ năm 2016 không phát hành nhiều kỳ hạn trung hạn nữa, do đó không có chuyện vỡ nợ.
Chính phủ Việt Nam đã tuyên bố “không đi bán sữa, không đi bán bia” mà là Chính phủ kiến tạo. Đây là lúc Chính phủ biết làm gì. Sắp tới trong điều hành vĩ mô Nhà nước không can thiệp hành chính, chỉ quản lý những gì cần quản lý. Vậy cơ sở gì chúng ta lo bất ổn?