Hạt đu đủ có thể ăn được và đem lại nhiều lợi ích sức khoẻ nhờ có chứa chất xơ, axit béo lành mạnh và các hợp chất có lợi khác, bao gồm polyphenol và flavonoid.
Đu đủ là loại trái cây được yêu thích vì hương vị thơm ngon và thành phần dinh dưỡng đặc biệt. Tuy nhiên, nhiều người thường loại bỏ hạt vì cho rằng chúng không ăn được. Nhưng sự thật là hạt đu đủ không chỉ ăn được mà còn rất bổ dưỡng. Dù vậy, hạt đu đủ vẫn có thể gây ra tác dụng phụ nên mọi người nên lưu ý khi ăn loại hạt này.
1. Giá trị dinh dưỡng của hạt đu đủ
Trong 100g hạt đu đủ khô cung cấp khoảng 558 calo năng lượng. Loại hạt này còn rất giàu protein, chất béo và chất xơ, chứa các vitamin và khoáng chất như sắt, canxi, magie, phốt pho, kẽm,…
Hạt đu đủ rất giàu axit béo không bão hòa đơn như axit oleic cũng như chứa polyphenol và flavonoid – đây là chất chống oxy hóa mạnh mẽ.
2. Hạt đu đủ có tác dụng gì?
Ngoài việc cung cấp một số chất dinh dưỡng quan trọng, hạt đu đủ còn có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ.
2.1. Tốt cho hệ tiêu hoá
Hạt đu đủ có chứa enzyme papain, giúp hỗ trợ tiêu hóa. Ngoài ra, trong hạt đu đủ còn chứa chất xơ, đây là chất có tác dụng giúp nhu động ruột hoạt động đều đặn nên ngăn ngừa được tình trạng táo bón. Các nghiên cứu còn cho thấy chất xơ có thể bảo vệ hệ tiêu hoá, chống lại bệnh viêm ruột, giảm các triệu chứng của bệnh trĩ và ngăn ngừa hình thành vết loét đường ruột.
Khi bạn ăn một lượng nhỏ hạt đu đủ sau bữa ăn có thể giúp phân hủy protein và cải thiện tiêu hóa, giảm các triệu chứng như đầy hơi, táo bón và khó tiêu.
2.2. Giải độc gan
Hạt đu đủ được biết đến với khả năng hỗ trợ sức khỏe gan do có chứa một số hợp chất có thể giúp giải độc gan và bảo vệ gan khỏi bị hư hại do độc tố và uống quá nhiều rượu.
Hạt đu đủ còn được cho rằng có tác dụng kiểm soát các triệu chứng của bệnh xơ gan. Tiêu thụ 3 đến 4 hạt đu đủ, nghiền nát và trộn với nước cốt chanh hàng ngày có thể hỗ trợ điều trị và phục hồi bệnh xơ gan.
2.3. Có đặc tính kháng khuẩn
Hạt đu đủ có đặc tính kháng khuẩn có thể giúp chống lại các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn khác nhau trong cơ thể, chẳng hạn như các loại vi khuẩn như Staphylococcus aureus, Shigella dysenteriae, Salmonella typhi, Pseudomonas aeruginosa, Escherichia coli.
Bạn có thể nghiền nát hạt đu đủ và trộn với mật ong để tăng cường tác dụng kháng khuẩn.
2.4. Bảo vệ chức năng thận
Một số nghiên cứu cho thấy ăn hạt đu đủ có thể bảo vệ và duy trì sức khỏe cũng như chức năng của thận. Hạt đu đủ có tác dụng này có thể do loại hạt này rất giàu chất chống oxy hóa, ngăn chặn tổn thương oxy hóa đối với tế bào của bạn và bảo vệ sức khỏe thận.
2.5. Có tác dụng chống viêm
Đặc tính chống viêm của hạt đu đủ có thể giúp giảm viêm trong cơ thể. Viêm mãn tính có liên quan đến nhiều bệnh khác nhau, chẳng hạn như viêm khớp và bệnh tim. Bổ sung hạt đu đủ vào chế độ một cách phù hợp có thể giúp kiểm soát các tình trạng này.
2.6. Tiêu diệt ký sinh trùng
Hạt đu đủ từ lâu đã được sử dụng như một phương thuốc tự nhiên để tiêu diệt ký sinh trùng trong đường ruột. Hạt chứa một loại alkaloid gọi là carpaine, được chứng minh là có hiệu quả chống lại giun ký sinh. Ăn một lượng nhỏ hạt đu đủ mới xay khi bụng đói có thể giúp loại bỏ ký sinh trùng.
2.7. Tăng cường khả năng miễn dịch
Hạt đu đủ rất giàu chất chống oxy hóa, có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi các mầm bệnh. Bổ sung hạt đu đủ trong chế độ ăn uống của bạn có thể giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và tăng cường sức khỏe tổng thể.
2.8. Có đặc tính chống ung thư
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng hạt đu đủ có thể có đặc tính chống ung thư do thành phần dinh dưỡng và chất chống oxy hóa ấn tượng. Ngoài ra, các hợp chất được tìm thấy trong hạt đu đủ như isothiocyanates đã chứng minh khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn trong lĩnh vực này để hiểu đầy đủ mức độ ảnh hưởng của chúng.
2.9. Tốt cho sức khỏe tim mạch
Như đề cập rất nhiều, hạt đu đủ có chứa các chất chống oxy hoá, chẳng hạn như hợp chất phenolic có thể giúp giảm căng thẳng oxy hóa và giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Loại hạt này cũng có thể giúp giảm mức cholesterol và duy trì huyết áp khỏe mạnh.
3. Hạt đu đủ có gây ra tác hại gì đối với sức khỏe không?
Mặc dù hạt đu đủ có liên quan đến nhiều lợi ích sức khỏe khác nhau nhưng chúng vẫn tiềm ẩn một số mối lo ngại về sức khỏe.
– Một số nghiên cứu cho thấy ăn hạt đu đủ với liều lượng lớn có thể làm giảm khả năng sinh sản ở nam giới.
– Ăn quá nhiều hạt đu đủ có thể gây tiêu chảy.
– Ăn quá nhiều hạt đu đủ không được khuyến khích cho các bà mẹ đang cho con bú. Đặc biệt, ăn quá nhiều loại hạt này trong thai kỳ có thể gây hại cho thai nhi đang phát triển.
– Hạt đu đủ chứa benzyl isothiocyanate, hợp chất này có liên quan đến một số lợi ích sức khỏe, đặc biệt là khi ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy nó có thể gây hại với số lượng lớn, gây ra tổn hại đáng kể cho DNA. Dù vậy, vẫn cần nhiều nghiên cứu để cho thấy tác hại này của hạt đu đủ đối với sức khoẻ.
Nhìn chung, các tác dụng phụ của hạt đu đủ gây ra thường do tiêu thụ với hàm lượng lớn. Nhưng để đảm bảo an toàn, mọi người nên tham khảo ý kiến của chuyên gia trước khi bổ sung loại hạt này vào chế độ ăn uống.
4. Cách bổ sung hạt đu đủ vào chế độ ăn uống
Bạn có thể bổ sung hạt đu đủ vào chế độ ăn uống theo nhiều cách, dưới đây là một vài gợi ý:
– Múc hạt sống và ăn tươi (1 thìa cà phê) hoặc bảo quản trong tủ lạnh để dùng dần
– Thêm hạt đu đủ vào dầu giấm, nước sốt salad hoặc sinh tố. Điều này có thể tạo thêm vị đắng, vì vậy hãy giảm bớt vị đắng bằng các hương vị khác.
– Làm nước sốt với hạt đu đủ, vỏ chanh, kem, nước cốt chanh, tỏi băm và ngò
– Làm sạch, phơi khô và nướng hạt đu đủ, sau đó nghiền thành bột và thêm vào hỗn hợp gia vị mà bạn yêu thích.
Trên đây là những lợi ích và tác dụng phụ của hạt đu đủ đối với sức khoẻ. Bạn có thể ăn quả và hạt đu đủ (một lượng vừa phải) từ 1-2 lần/tuần. Ngoài ra, bạn nên bổ sung các nguồn thực phẩm khác để đa dạng dinh dưỡng cho cơ thể.