Mỗi một vấn đề trong cuộc sống đều luôn có những cách giúp bạn hoàn thành chúng một cách dễ dàng hơn, tương tự như vậy, 5 cách quản lý tiền đã được truyền tai và được chứng minh trong nhiều năm qua sẽ giúp bạn đảm bảo tài chính cá nhân.
Bạn có cảm thấy lo lắng sẽ tiêu hết ngân sách của mình hay liệu bạn có đủ để trang trải cho những trường hợp khẩn cấp không?
Đó là bởi vì tiền thường mang theo phản ứng cảm xúc. Đó có thể là sự phấn khích hoàn toàn sau khi nhận được một khoản tiền thưởng bất ngờ tại nơi làm việc, hoặc có thể là cảm giác do dự hoặc sợ hãi khi bắt đầu một cuộc trò chuyện về ngân sách với người bạn đời.
Nhưng hãy tin rằng tiền nên là niềm vui thay vì căng thẳng. Và để bạn có được niềm vui này, hãy đảm bảo việc bạn có nền tảng tài chính vững chắc. Nếu bạn đang tìm kiếm sự an toàn về tài chính trong cuộc sống của mình, hãy thử 5 điều sau:
1. Tạm biệt thẻ tín dụng
Lập luận lớn nhất mà mọi người thường giữ thẻ tín dụng là phần thưởng. Mọi người thích điểm thẻ tín dụng để được tặng thêm dặm bay, được giảm giá khi mua sắm hay miễn phí vận chuyển. Các công ty thẻ tín dụng đã đưa khái niệm này vào tâm trí chúng ta.
Một khi bạn vẫn còn giữ thẻ tín dụng, thì bạn sẽ luôn dễ dàng bị hấp dẫn để “mắc nợ”. Ảnh minh hoạ
Nhưng bạn chưa bao giờ gặp một người giàu có nào nói với bạn rằng “Bí quyết thành công của tôi là tất cả nằm ở điểm thẻ tín dụng” đúng không? Thẻ tín dụng không phải là cách để bảo đảm tài chính. Trên thực tế, chúng sẽ đưa bạn đi theo hướng ngược lại.
Hãy suy nghĩ về tất cả các cách thêm tiền bạn đang chi tiêu để “kiếm” những điểm thưởng như bạn được hoàn 500.000 đồng nếu bạn tiêu hết 30.000.000 đồng trong thẻ tín dụng hay mua hàng trên các sàn thương mại điện tử và bạn được tặng xu hay giảm bao nhiêu % trên tổng giá trị hàng. Tâm lý mua ngay, trả sau khiến mọi người chi tiêu nhiều hơn mức bình thường so với sử dụng tiền mặt.
Thực tế, điều duy nhất bạn kiếm được bằng thẻ tín dụng là những khoản nợ, căng thẳng và lo lắng.
2. Loại bỏ các khoản nợ
Công cụ để xây dựng sự giàu có số một của bạn là thu nhập, nhưng nợ nần sẽ đánh cắp thu nhập của bạn. Và trên hết, bạn sẽ chẳng vui vẻ gì khi thực hiện các khoản thanh toán này. Vì vậy, đã đến lúc xóa những khoản nợ của bạn.
Hãy liệt kê tất cả các khoản nợ của bạn từ nhỏ nhất đến lớn nhất (trừ căn nhà của bạn) – theo số tiền nợ chứ không phải lãi suất.
Thanh toán khoản nợ nhỏ nhất trước và các khoản thanh toán tối thiểu cho những khoản còn lại. Sau khi khoản nợ đó được trả hết, hãy lấy những gì bạn đang trả cho khoản đó và chuyển nó thành khoản nợ nhỏ thứ hai… cho đến khi bạn hết nợ!
Hãy xóa nợ sớm nhất có thể – bạn sẽ không còn áp lực mỗi ngày nữa. Ảnh minh hoạ
Đây là cách hiệu quả nhất để trả nợ vì nó giải quyết được vấn đề thực sự. Khi bạn lần lượt thanh toán được các món nợ, bạn sẽ có động lực và duy trì động lực này cho cả các khoản nợ lớn hơn. Khi đã hết nợ, bạn đã đạt được sự an toàn tài chính thực sự.
3. Xây dựng quỹ khẩn cấp
Không có gì mang lại cho bạn sự an tâm và ổn định tài chính như một quỹ khẩn cấp. Quỹ khẩn cấp sẽ là mạng lưới an toàn của bạn khi những tình huống khẩn cấp xảy ra – và chúng sẽ xảy ra, vì vậy hãy lập kế hoạch cho chúng.
Thật khó để trở nên ổn định về tài chính nếu bạn tiếp tục nợ nần sau khi những tình huống khẩn cấp xảy ra – đặc biệt khi bạn phải vay ngân hàng hay thẻ tín dụng với lãi suất cao. Vì vậy, gửi một số tiền vào ngân hàng là bước đầu tiên để đảm bảo tài chính.
Dù thu nhập bạn không cao, nhưng hãy cố gắng tiết kiệm mỗi ngày và có một quỹ khẩn cấp cho các trường hợp đặc biệt. Ảnh minh hoạ
Đôi khi có thể khó để xây dựng điều này, nhưng nếu bạn ưu tiên nó, bạn chắc chắn sẽ làm được.
Hãy bắt đầu xây dựng quỹ khẩn cấp chỉ khoảng 10 triệu đồng cho các trường hợp khẩn cấp nhỏ hơn trong khi bạn sắp thanh toán hết các món nợ của mình.
Sau khi hết nợ, bạn nên tiết kiệm cho quỹ khẩn cấp để đủ chi phí từ ba đến sáu tháng.
4. Chi tiêu ít hơn thu nhập
Nếu bạn muốn đạt được sự an toàn về tài chính, bạn cần phải tận dụng công cụ tạo dựng sự giàu có lớn nhất: thu nhập của bạn. Vì vậy, cho dù bạn đang cố gắng kiếm tiền để xây dựng quỹ khẩn cấp, trả nợ hay đầu tư cho tương lai của mình, thì phiếu lương của bạn là nơi tốt nhất để bắt đầu.
Tất nhiên, bạn sẽ chẳng thể tiết kiệm hay trả hết nợ nếu luôn thấu chi. Chính vì vậy, hãy đảm bảo mức chi tiêu của bạn luôn dưới mức thu nhập. Ảnh minh hoạ
Sự hài lòng tức thì sẽ khiến bạn gặp rắc rối hết lần này đến lần khác. Nếu bạn có thể học cách nói không và hài lòng với những gì mình có, bạn sẽ ổn định hơn về tài chính so với trước đây.
Hãy nhớ rằng hy sinh nhỏ bây giờ sẽ được đền đáp về lâu dài – thay vì mỗi tháng mua một chiếc váy mới, hãy xem tủ quần áo của bạn còn bao nhiêu món đồ chưa được mặc tới? Biết mục tiêu cuối cùng của bạn là gì và hãy theo đuổi nó.
5. Đầu tư 15% thu nhập của bạn sau khi bạn hết nợ tiêu dùng
Nếu bạn chỉ để những đồng tiền nằm yên, vậy thì bạn sẽ chỉ có từng đó. Do vậy, hãy cố gắng đầu tư để sinh lời. Có thể là đầu tư theo hình thức gửi tiết kiệm ngân hàng, mua vàng, mua nhà đất, góp vốn kinh doanh với bạn bè hoặc tự bán mặt hàng nào đó mà bạn quan tâm.
Tất nhiên, đầu tư nào cũng sẽ có rủi ro, do vậy nếu như bạn chưa thực sự am hiểu, hãy dành thời gian tìm hiểu và đi từng bước chậm.
Cách kiếm tiền thông minh là để tiền làm ra tiền, vì vậy hãy tìm nơi để đầu tư một cách tốt nhất. Nếu bạn không thể chắc chắn, vậy thì gửi tiết kiệm vào ngân hàng và để nó tự sinh lời. Ảnh minh hoạ
Bạn có thể thấy nhiều người căng thẳng về tiền bạc, nhưng đó không nhất thiết phải là bạn. Đừng để nợ nần, nỗi sợ hãi hoặc căng thẳng ngăn cản bạn đạt được các mục tiêu tài chính của mình. Thực tế là bạn có thể sống một cuộc sống mà bạn muốn, nhưng điều kỳ diệu thực sự nằm ở việc hiểu được bản thân và xu hướng kiếm tiền của chính bạn.