Tỷ giá USD/VND: Xuất hiện cầu lớn, vẫn chạy tốt

Ngày 23/11, tỷ giá USD/VND tiếp tục có bước tăng khá mạnh. Một phần nguyên nhân đến từ lực cầu lớn riêng lẻ, nhưng thị trường vẫn tự điều tiết tốt.

So với ngày 22/11, tỷ giá USD/VND cuối ngày 23/11 thêm 110 VND, tính theo mức giá USD bán ra cao nhất trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại. Đây là bước tăng mạnh.

Trong nhiều nguyên nhân, theo tìm hiểu của VnEconomy, một lực cầu lớn và riêng lẻ, liên quan đến hoạt động trả nợ nước ngoài, mua 100 triệu USD đã góp phần tác động đến diễn biến trên.

Quan trọng là, lực cầu lớn như vậy, cũng như các nhu cầu khác trong ngày, thị trường vẫn tự cân đối cung – cầu được, mà Ngân hàng Nhà nước không phải bán ra can thiệp. Ở khía cạnh này, thị trường vẫn chạy tốt.

Đương nhiên là các ngân hàng thương mại bán ra. Họ bán ra như thế nào? VnEconomy tìm hiểu cụ thể trạng thái ngoại tệ cuối ngày 23/11, cũng như trong đợt biến động vừa qua, các đầu mối lớn vẫn dương trạng thái, và họ bán ròng ra đáp ứng nhu cầu thị trường.

Sẽ là vấn đề nếu họ kìm bán, hoặc “đặt cược” với âm trạng thái. Hoạt động bán ra theo đó phản ánh sự đồng thuận với diễn biến thị trường trong đợt tăng này, hay một phần phản ánh tính hợp lý của nó.

Vì sao hợp lý? Một số dealers ngoại tệ trao đổi góc nhìn với VnEconomy rằng, trong đợt biến động này, Ngân hàng Nhà nước đã 9 phiên liên tiếp tăng tỷ giá trung tâm. Con mắt chuyên nghiệp nhìn vào đây.

Trước hết, nhà điều hành và cơ chế tỷ giá đã thể hiện sự linh hoạt và độ mở để dần pha loãng biến động lớn trên thị trường thế giới. Thứ nữa, loạt 9 phiên tăng đó phát đi thông điệp không phải bình ổn bằng mọi giá, bằng bảo thủ và duy ý chí.

Giả dụ, trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước quan ngại xáo trộn trên thị trường ngoại tệ mà để tỷ giá trung tâm nhúc nhắc cầm chừng, các thành viên trên thị trường sẽ nhận ra và có phản ứng găm giữ ngoại tệ mà không bán ròng trong những ngày qua.

Vì sao gắm giữ? Vì thị trường thế giới biến động mạnh, tỷ giá trung tâm mà “trơ” thì hàm chứa khả năng lò xo bị nén lại để tiềm ẩn một cú bật. Bởi vì, đồng USD lên giá rất mạnh trong thời gian ngắn, đồng Nhân dân tệ rơi sâu, nhiều đồng tiền trung khu vực mất giá mạnh, Ngân hàng Nhà nước không thể “vô cảm” về tỷ giá.

Tuy nhiên, nhìn vào tỷ giá trung tâm, cũng như nhiều mục tiêu khác mà nhà điều hành chính sách tiền tệ phải cân đối, các bước tăng khá đều 9 phiên nói trên gián tiếp cơ quan này đang chủ động dẫn dắt yếu tố tỷ giá từng bước tiếp cận một đích đến nào đó, dĩ nhiên là không có nhảy cóc hoặc đột biến. Vì, ngoài biến động trên thị trường thế giới, cơ chế tỷ giá trung tâm còn cân đối các yếu tố nội tại của nền kinh tế trong nước.

Tỷ giá USD/VND tăng dần lên có lẽ có một phần ý định hỗ trợ cho xuất khẩu, nhưng tránh đột biến để hạn chế tác động vào giá nhập khẩu và lạm phát; còn chưa nói là còn phải nhìn sang yêu cầu hạn chế chi phí nợ nước ngoài của quốc gia đột ngột gia tăng.

Ngân hàng Nhà nước dẫn dắt khá đều như vậy. Một cú tăng mạnh của tỷ giá trong thời gian ngắn còn gặp trở ngại về yêu cầu đảm bảo các cân đối nói trên. Theo đó, kỳ vọng tiếp tục tăng cao là hạn chế và các ngân hàng vẫn đều đặn bán ra, cung – cầu trên thị trường vẫn tự điều tiết được.

Theo đó, trong đợt biến động này, quan trọng nhất là cung – cầu vẫn gặp nhau như trên, mà Ngân hàng Nhà nước chưa phải tung ngoại tệ ra bán can thiệp.

Có lẽ hoạt động can thiệp trực tiếp này chỉ được đưa ra khi thị trường tiềm ẩn một cú sốc thực sự về tỷ giá mà có thể gây xáo trộn các cân đối vĩ mô.

Hoặc giả, Ngân hàng Nhà nước vẫn ngầm định một vùng biến động tỷ giá mục tiêu nào đó trong cả năm nay, 1-2%, để hài hòa các cân đối hỗ trợ xuất khẩu, pha loãng tác động từ bên ngoài, chấp nhận được với lạm phát và chi phí nợ quốc gia… Mà nếu vượt quá vùng mục tiêu đó, cơ quan này sẽ can thiệp thực sự.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin