Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản

Tôi đến Shirakawa-go vào một buổi sáng mưa giăng khắp lối. Con đường lên núi chìm trong hư ảo với rừng cây rực rỡ lá đỏ, lá vàng trong tiết cuối thu. Và khi xuống xe, đặt chân đến điểm view poin nhìn toàn cảnh ngôi làng từ trên cao, một thế giới cổ tích hiện ra như trong những bộ phim của Walt Disney .

TIN MỚI

Những ngôi nhà mang hình dáng bàn tay cầu nguyện

Có thể bạn chưa từng đến Nhật Bản, nhưng nhất định bạn đã nhìn thấy ở đâu đó những ngôi nhà gỗ, mái tranh chìm trong biển tuyết trắng mênh mông, lung linh dưới ánh đèn vàng trong đêm mùa đông. Chính hình ảnh đó đã thôi thúc tôi đến với Shirakawa-go.

Đó là ngôi làng miền núi điển hình, nằm lọt thỏm trong thung lũng của ngọn núi Hakusan. Dòng sông Shogawa chảy qua sườn núi, chia ngôi làng làm hai phần và được nối liền bởi một chiếc cầu treo. 

Từ năm 1995, Shirakawa-go được công nhận là di sản văn hóa thế giới với khoảng 190 ngôi nhà được xây dựng theo phong cách gassho. Mọi ngôi nhà làm hoàn toàn bằng gỗ với hệ dầm chắc chắn, mái nhà lợp lá tranh dày đến nửa mét. Hai mái nhà cao và dốc được hình dung như những bàn tay cầu nguyện hướng lên trời cao. 

Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 1.

Theo tư liệu tham khảo, các thiết kế ban đầu của những ngôi nhà phong cách gassho được tiến hành từ khoảng năm 1700. Và đến khoảng năm 1800 thì nó được xây dựng rộng rãi cho đến ngày nay. Điểm chung của các ngôi nhà là gác xép áp mái đều được sử dụng là nơi làm việc của gia chủ.

Để bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, từ năm 1971, ngôi làng Shirakawa-go đã triệt để thực hiện chính sách 3 không: không bán, không cho thuê và không phá hủy. Hiện nay, cư dân của làng vẫn sinh sống tại ngôi làng của mình.

Đối với họ, tuy nó chưa bao giờ là một ngôi làng giàu có, nhưng tổ tiên họ đã sống tốt ở đây thì không có lý do gì để họ rời đi. Và rằng, bất chấp những đổi thay của công nghệ và sự phát triển về kinh tế, cư dân làng Shirakawa-go vẫn giữ cho mình lối sống truyền thống phù hợp với môi trường, lịch sử và văn hóa của làng.

Thời điểm lý tưởng du lịch đến Shirakawa-go

Đến Shirakawa-go mùa nào cũng đẹp, đó là review của rất nhiều người đã đi du lịch tới đây.

Mùa xuân: Vào những ngày đầu năm mới, bạn sẽ được thưởng thức điệu nhảy truyền thống Harukoma. Các vũ công hóa thành bảy vị thần may mắn biểu diễn quanh làng. Vào khoảng giữa tháng 2, lễ hội nhuộm màu trên tuyết sẽ diễn ra. Những tấm vải nhuộm sẽ được đặt trên nền tuyết lạnh để màu nhuộm ngấm sâu và bền màu hơn. Từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5, hoa anh đào nở bung trên núi và quanh ngôi làng tạo nên cảnh sắc tuyệt đẹp.

Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 2.

Mùa hè: Ngôi làng được bao phủ bởi màu xanh mướt của núi rừng, của những thửa ruộng lúa và rau xanh trồng quanh làng.

Mùa thu: Từ tháng 10 đến đầu tháng 12, Shirakawa-go ngập tràn trong màu sắc rực rỡ của rừng cây lá đỏ lá vàng. Bạn sẽ bắt gặp những cây hồng trĩu quả và thưởng thức đặc sản “hồng gió” nơi đây. 

Hồng gió là loại hồng khô được làm hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Người dân treo những quả hồng lên dây hoặc cánh cửa trong nhiều ngày, tận dụng nắng, gió và không khí khô hanh của mùa thu để làm quả hồng khô một cách tự nhiên.

Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 3.
Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 4.
Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 5.
Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 6.

Mùa đông: Từ cuối tháng 12 đến giữa tháng 3, có thời điểm ngôi làng chìm trong tuyết đến 2-3m; cao điểm là 4,5m, khiến Shirakawa-go trở thành điểm ngắm tuyết tuyệt vời bậc nhất Nhật Bản. Lễ hội winter light-up được diễn ra trong thời điểm tháng 1 hoặc tháng 2 – tùy từng năm.

Vào ngày light-up, mọi ngôi nhà bị tuyết phủ kín đều được thắp đèn suốt đêm, tạo nên khung cảnh lung linh huyền ảo hiếm có. Đó cũng là thời điểm Shirakawa-go đón nhiều khách du lịch nhất. Du khách muốn lưu lại qua đêm tại làng, đều phải đặt trước 4-5 tháng. Và bởi dịch vụ du lịch đều được cung cấp bởi cư dân trong làng, cho nên, có những nhà nghỉ/nhà hàng không giao tiếp được bằng tiếng Anh.

Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 7.

Đến Shirakawa-go bằng cách nào?

Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 8.

Để vào làng, bạn cần đi qua cây cầu bắc qua một con suối nhỏ.

Từ Tokyo, tôi dùng JR Pass đi tàu shinkansen đến Takayama thuộc tỉnh miền núi Gifu. Takayama là thành phố cổ kính, yên bình và khoáng đạt với những con phố cổ từ thời kì Edo Nhật Bản. Nghỉ đêm trong một ngôi nhà truyền thống tại Takayama cùng gia chủ là một trải nghiệm rất tuyệt vời. Bạn nên thưởng thức món thịt bò Hida nổi tiếng, không được xuất khẩu ra nước ngoài. Khách du lịch cũng không được phép mang loại thịt này ra khỏi biên giới nước Nhật.

Từ Takayama đi Shirakawa-go là cách thức thuận tiện và nhanh nhất, chỉ mất khoảng 1h đi bus là đến nơi. Để biết lịch các chuyến bus đi trong ngày từ Takayama đến Shirakawa-go, bạn có thể tham khảo trên trang website của hãng Nohi bus express, Hokutetsu bus hoặc đến văn phòng Jhope để tham khảo và đặt vé.

Tôi có 1 ngày để thăm quan Shirakawa-go. Các điểm được lưu ý nên tham quan và tìm hiểu là:

Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 9.

Wada House – ngôi nhà lớn nhất của làng. Vì gia chủ hiện đang sinh sống tại đây, cho nên phần mở cửa tham quan là toàn bộ tầng 2 và một phần tầng 1 ngôi nhà.

Ghé thăm Shirakawa-go, ngôi làng cổ tích phương Đông ở Nhật Bản - Ảnh 10.

Nagase house – ngôi nhà với trên 250 năm tuổi hiện là nơi trưng bày những vật dụng về y tế từng được sử dụng từ thời xa xưa của làng.

Kanda house vốn là ngôi nhà thành viên được tách ra từ Wada house, đã từng sản xuất bia. Trong ngôi nhà vẫn còn lưu giữ chữ viết trên khung gỗ của thợ mộc tham gia xây dựng ngôi nhà này. Ngoài ra, trong làng còn có một số bảo tàng nhỏ, lưu giữ và trưng bày hiện vật về nghề trồng dâu nuôi tằm dệt lụa, trồng nho của cư dân từ xa xưa. 

Giá vé vào cửa tham quan mỗi điểm là 300 Yên/người; nếu đi theo đoàn đông, giá vé tử 450-600 Yên/đoàn.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin