Những người thông minh luôn biết cách để làm chủ mọi việc của bản thân và đây chính là 10 câu nói giúp họ làm được điều ấy. Hãy đọc và xem bạn làm được bao nhiêu trong số đó nhé!
1. “Nếu không ai muốn làm việc đó thì tôi sẽ làm”
Trong một nhóm hay một đội, khi gặp phải một nhiệm vụ đầy thách thức, đa số mọi người sẽ chọn cách lùi bước và đẩy việc đó cho một người khác, bởi họ sợ bản thân sẽ không thể hoàn thành nổi.
Thế nhưng, họ không biết rằng đằng sau những tình huống như vậy lại chính là những cơ hội quý báu để học tập, rèn luyện và phát triển. Vì thế, khi bạn đứng trước nhiệm vụ phức tạp như một dự án trong công việc mà không ai muốn làm, hãy là người đầu tiên tình nguyện nhận lấy nhiệm vụ ấy.
Việc đó sẽ giúp bạn học thêm được nhiều điều mà bạn chưa bao giờ biết đến, cũng như giúp bạn khám phá ra được những kỹ năng đang ẩn giấu bên trong bạn.
2. “Điều đó cũng không tệ lắm”
Bạn thử nghĩ lại xem, đã bao lần bạn rơi vào một hoàn cảnh hoàn toàn lạ lẫm và rồi trong đầu chỉ ngập tràn suy nghĩ về những viễn cảnh tồi tệ nhất? Có lần nào những nỗi sợ ấy của bạn thực sự xảy ra hay chưa? Câu trả lời gần như là không bởi những điều tồi tệ nhất sẽ thường không xảy ra như những gì bạn nghĩ.
Cuộc sống này, bạn chẳng thể nào tránh khỏi việc phải đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh. Nhưng bạn hãy nhớ một điều rằng mọi việc vốn không hề khủng khiếp và đáng sợ như chúng ta tưởng. Thêm nữa, chúng ta cũng hoàn toàn có thể lựa chọn cách phản ứng của mình khi đứng trước những vấn đề ấy.
Vì thế, dù rơi vào hoàn cảnh ra sao thì cũng đứng quá bi quan bởi việc gì rồi cũng sẽ có cách giải quyết. Và để bản thân có thể thoát khỏi những nỗi sợ phi lý như vậy, bạn hãy nhớ lại tất cả những lúc mà các suy nghĩ tiêu cực của bạn đã không thành hiện thực rồi cố gắng vượt qua những vấn đề bạn đang phải đối mặt.
3. “Tôi sẽ không hoàn thành được mọi việc trong hôm nay nhưng chí ít tôi cũng phải bắt đầu làm”
Trì hoãn là một căn bệnh mà không ít người trong chúng ta đang mắc phải, và một trong những triệu chứng chính là những lời bao biện chúng ta tự nói với mình để không làm việc theo kế hoạch đã vạch ra.
Bạn cần phải hiểu một điều rằng, các kế hoạch chúng ta lập ra sẽ chẳng có chút giá trị nào nếu bạn không chịu thực hiện nó, kể cả đó là bản kế hoạch mà bạn đã làm cẩn thận đến thế nào.
Để thoát khỏi căn bệnh trì hoãn này, bạn hãy bắt đầu làm từng phần nhỏ của công việc hoặc bắt đầu ngay khi bạn nghĩ về nó. Điều này sẽ tiếp thêm cho bạn động lực để dễ dàng tiếp tục và hoàn thành công việc bạn đã đặt ra.
4. “Tôi phải nói ít hơn và làm nhiều hơn”
Có lẽ tất cả chúng ta đều từng gặp những người thích khoe khoang về những việc làm và thành quả của mình. Bởi lẽ, họ nghĩ việc làm đó sẽ giúp họ gây ấn tượng với những người xung quanh.
Tuy nhiên, điều đó thường sẽ không xảy ra vì những hành động được thực hiện trong lặng lẽ lại thường được coi trọng và đánh giá cao hơn.
Vì vậy, dù bạn có làm gì thì hãy luôn cô gắng tập trung hoàn thành công việc đó theo cách tốt nhất có thể. Đồng thời, đừng bao giờ để bản thân bị phân tâm bởi những vinh quang hư ảo bởi rút cục chúng sẽ chỉ khiến bạn thêm rối loạn trên con đường đi tới thành công mà thôi.
5. “Tôi không thể cứ phụ thuộc vào ý kiến của người khác”
Lời khuyên của mọi người có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định dễ dàng hơn. Thế nhưng cuối cùng thì ý kiến của bạn vẫn là điều quan trọng nhất bởi chúng ta là người duy nhất chịu trách nhiệm cho cuộc sống của mình, và cũng tự mình chịu đựng hậu quả của những hành động mà chúng ta làm ra.
Do đó, khi gặp phải chuyện gì, bạn đừng vì sợ hãi hay không thể ra quyết định mà cuống cuồng tìm kiếm lời khuyên từ người khác. Thay vào đó, hãy cho bản thân bạn vài giờ hoặc vài ngày để tìm giải pháp phù hợp với bạn.
Ý kiến của người khác đôi khi cũng khá quan trọng nhưng trong đa số tình huống, bạn chỉ nên xem đó là một nguồn tham khảo, và hãy làm theo những gì mà lý trí cũng như con tim bạn mách bảo.
6. “Tôi phải chứng minh bản thân”
Nhiều lúc, khi mọi người nói rằng chúng ta không thể làm gì đó, trong tâm ta bỗng nhen nhóm một khát khao sẽ chứng minh cho họ thấy họ đã hoàn toàn sai lầm.
Điều này nghe có vẻ quá trẻ con, nhưng việc chúng ta không có được sự tin tưởng từ người khác thực sự là một động lực to lớn giúp chúng ta thúc đẩy bản thân, và chứng tỏ rằng chúng ta có thể vượt qua được thách thức.
Vì thế, lần tới, khi mọi người xung quanh tỏ ý nghi ngờ thực lực của bạn, thay vì chìm trong nỗi tức giận, hãy biến cảm xúc ấy thành năng lượng để hoàn thành những gì bạn muốn theo cách tốt nhất.
7. “Sản phẩm tôi tạo ra có thể không hoàn hảo nhưng với tôi, đó là những sản phẩm tuyệt vời nhất”
Không ít người trong chúng ta luôn tự đặt mình vào cuộc chạy đua hướng tới sự hoàn hảo, làm gì cũng muốn sản phẩm cuối cũng phải là hoàn hảo nhất.
Nhưng thực ra, việc này không chỉ khiến bạn tiêu hao năng lượng và thêm căng thẳng mà còn “góp phần” đưa bạn đến gần hơn với thất bại.
Do đó, khi bắt đầu một công việc nào đó, bạn hãy tập trung và cô gắng hết khả năng để hoàn thành tốt nhất có thể, đừng đặt nặng những định nghĩa về sự hoàn hảo.
Làm được điều này, ban sẽ vừa có thể luôn xuất sắc hoàn thành công việc, lại vừa giảm bớt không ít áp lực cho bản thân.
8. “Lần sau tôi sẽ thành công hơn”
Có lẽ khi không thể làm nổi một việc mà mình đã nghĩ mình có thể, bản thân mỗi chúng ta đều sẽ cảm thấy không mấy dễ chịu. Nếu chẳng may rơi vào trường hợp đó, bạn chớ vội nản chí rồi bỏ cuộc.
Thay vào đó, hãy viết những gì bạn đã làm vào một cuốn sổ và lướt qua lại các sự kiện trong đầu. Bằng cách đó, bạn sẽ biết được mình đã mắc lỗi ở đâu để biết được lần tới mình sẽ phải cải thiện điều gì và không được làm việc gì.
9. “Tôi nên cảm ơn họ vì những gì họ đã làm cho tôi”
Trong cuộc sống này, chúng ta tiếp xúc với rất nhiều người và đôi khi còn nhận sự giúp đỡ từ họ. Vì thế, chúng ta nên biết cách để cám ơn những người xung quanh vì những gì họ đã làm cho chúng ta.
Khi bạn làm việc trong một nhóm hay được người khác giúp đỡ, dù là những việc cực nhỏ, hãy gửi tới họ lời cám ơn chân thành. Qua đó, bạn cho những người xung quanh thấy được bạn trân trọng sự giúp đỡ của họ, cũng như ý nghĩa của họ trong cuộc sống của bạn.
10. “Càng cố gắng, tôi sẽ càng đạt được nhiều thành tựu lớn hơn”
Trong lĩnh vực mà bản thân có tài năng thiên bẩm, chúng ta có xu hướng đạt được thành công dễ dàng hơn vì ngay từ nhỏ chúng ta đã biết mình cần phải làm gì.
Thế nhưng, trong một lĩnh vực mà chúng ta không có tài năng bẩm sinh thì chúng ta lại phải làm việc tích cực và chăm chỉ hơn để có thể chạm tới thành công.
Đây vốn là một điều hiển nhiên và là một cơ hội tốt để bạn học tập nên đừng bao giờ để điều ấy khiến bản thân bạn thoái chí. Nếu không có tài năng thiên bẩm thì hãy thực hành thật nhiều – điều sẽ giúp bạn làm được những việc mà bạn chưa bao giờ nghĩ tới.
Hãy luôn nhớ, bạn thử làm một việc càng nhiều bao nhiêu, bạn sẽ làm càng tốt bấy nhiêu. Đồng thời, kiến thức mới mà bạn có thể truyền lại cho người khác cũng nhiều hơn và thực tế hơn.