Những từ như “người ái kỷ” – narcissist hay chứng ái kỷ (narcissism) có lẽ không còn gì là quá xa lạ với chúng ta nữa. Đó là những kẻ quá yêu bản thân mình.
Hiểu như thế nào về người ái kỷ?
Bản chất của người ái kỷ là những người kiêu ngạo, coi bản thân mình đặc biệt hơn hẳn những người khác, không có khả năng thấu cảm, thích và cần được ca ngợi và coi trọng.
Sự ảo tưởng, cho rằng mình xứng đáng được hưởng mọi thứ trên đời, và mình quan trọng hơn phần còn lại được giải thích rằng do bản thân cảm thấy mình bị nguy hiểm, bị đe dọa bởi những gì người khác đạt được. Vì thế, trong tiềm thức họ tìm cách kéo những người có vẻ giỏi giang hơn mình ấy xuống ngang hàng mình, hoặc thấp hơn mình để thỏa mãn cho cảm giác bản thân mình vượt trội hơn hẳn người khác.
Tóm lại, bên cạnh kiêu ngạo, họ còn là những người đố kỵ.
Và đừng tưởng ái kỷ là một điều gì đó xa vời lắm. Ái kỷ là một chứng rối loạn tâm lý nhưng cũng có thể là một loại hình tính cách. Theo như giáo sư tâm lý học Jean Twenge tại ĐH San Diego thì “dữ liệu từ 37.000 sinh viên đại học trên khắp nước Mỹ có tính cách ái kỷ từ năm 1982 đến 2012, với tốc độ lan tỏa chẳng khác gì bệnh béo phì.”
Với sự so sánh như vậy, tính ái kỷ chẳng khác nào là một bệnh dịch bùng phát trong thế hệ Millenials. Vậy câu hỏi đặt ra là cái gì “đứng sau” bệnh dịch này?
Công nghệ – thứ tạo ra người ái kỷ?
Đã có nhiều bài viết thể hiện quan điểm về việc công nghệ, đặc biệt là những trang mạng xã hội (MXH) như Facebook, chính là thứ “mài giũa” cho tính ái kỷ ở người dùng.
Kết quả của một nghiên cứu tên “Mặt tối của Facebook” do ĐH Western Illinois thực hiện vào năm 2012 đã cho thấy những đối tượng nghiên cứu nào có điểm cao hơn trong bản khảo sát về tính ái kỷ cũng lại là những người có nhiều bạn bè trên Facebook hơn, tự tag mình vào các tấm hình nhiều hơn và cập nhật trạng thái mới nhiều hơn.
Rõ ràng, tính kiêu ngạo và đố kỵ – hai biểu hiện chính của người ái kỷ có thể dễ dàng thấy trong thế giới ảo. Ví dụ như những người thường xuyên cập nhật trạng thái của mình, họ tin rằng mọi người thích thú và quan tâm với những gì mình làm, và bản thân họ cũng mưu cầu sự chú ý.
Hay việc một tấm ảnh được chọn từ cả trăm tấm, và được thử qua cả chục kiểu filter. Theo nhà tâm lý học xã hội nổi tiếng về nghiên cứu người ái kỷ W. Keith Campbell, đó là họ tận dụng MXH “để trông đặc biệt hơn, để cảm thấy mình quan trọng hơn, để có được sự chú ý, địa vị và sự tự tin.”
Những người dùng để bản thân quá quan tâm đến lượt like, share và comment để rồi vui buồn vì nó. Họ đã không đủ nhận thức đúng đắn và vững vàng về bản thân, vậy nên mới có thể để người khác định nghĩa mình: nhiều like, nhiều comment khen ngợi tức là mình xinh đẹp, giỏi giang và được coi trọng; ít like và những comment tiêu cực tức là mình ít được quan tâm, không được coi trọng.
Và có những người dùng khác cũng vì không có đủ nhận thức về bản thân mà sinh ra những so sánh tiêu cực. Nhiều nghiên cứu trên khắp nước Mỹ đã kết luận rằng người dùng Facebook thường nghĩ những người dùng khác có cuộc sống hạnh phúc và viên mãn hơn mình, rồi bắt đầu so sánh và cảm thấy bất hạnh.
Tóm lại, chúng ta không có cách có thể phủ nhận được rằng công nghệ là bàn đạp của tính ái kỷ. Nhưng đó có phải là nguyên nhân duy nhất không?
Những lời khen độc hại
Theo quan điểm của tác giả là thạc sĩ Lisa Firestone trong bài viết của mình trên Psychology Today, thì tội lỗi không thể đổ hết lên đầu Facebook, Instagram hay Snapchat. Vì nhân cách của con người, sau nhiều nghiên cứu, được khẳng định là đã hình thành vững vàng ở 7 tuổi, trong khi đó, độ tuổi Facebook quy định cho người dùng là 13 tuổi.
Vậy nên, nhiều tính cách đã được hình thành trước cả khi một người tham gia vào mạng xã hội.
Ta có thể thấy ngày nay, người ta rất chú trọng trong việc xây dựng sự tự tin cho trẻ, chính vì thế mà nhiều ông bố bà mẹ thường hay dành lời khen cho con của họ. Nhưng khi một đứa trẻ nhận được lời khen cho những kĩ năng mà nó không thực sự giỏi, thì đứa trẻ ấy sẽ cảm thấy thực sự trống rỗng và hoang mang về khả năng của mình.
Mà tính ái kỷ bản chất đến từ cảm giác không thực sự xứng đáng, chính vì vậy, những lời khen sáo rỗng – cũng như xu hướng thỏa mãn tức thời của xã hội có thể thấy gây ra một ảnh hưởng cực kỳ tiêu cực đến trẻ em. Và chỉ khi nhận được lời khen có cơ sở, trẻ em mới có thể xây dựng được sự tự tin thực sự.
Công nghệ, cha mẹ chiều chuộng con là những nguyên nhân mà chuyên gia đưa ra cho sự “bùng phát” tính ái kỷ trong thế hệ Millenials, còn theo bạn, còn nguyên nhân nào nữa không?
Tham khảo: Psychological Today