Ung thư vú là bệnh ung thư hàng đầu ở chị em phụ nữ, bệnh gây tỷ lệ tử vong cao. Nhưng nếu phát hiện sớm việc điều trị sẽ quyết định cơ hội sống của người bệnh.
Sàng lọc bằng tự khám
Ung thư vú là căn bệnh ác tính mắc phổ biến nhất ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở phụ nữ. Mỗi năm Việt Nam có thêm khoảng 12.000 người mắc ung thư vú với tỷ lệ tử vong khoảng 35% (cao hơn các nước phát triển), bệnh có xu hướng trẻ hóa và tăng dần qua các năm.
Các nghiên cứu cho thấy, 85% số bệnh nhân ung thư tại Việt Nam được phát hiện ở độ tuổi trên 40. Rất nhiều người trong số đó là trụ cột trong gia đình, đã có sự nghiệp vững vàng, có khả năng đóng góp nhiều cho xã hội, có triển vọng phát triển trên con đường sự nghiệp hay đang ở đỉnh cao của sự thành đạt hoặc đang giữ các trọng trách quan trọng tại các cơ quan.
PGS Nguyễn Đình Tùng – Chủ tịch Hội ung thư vú Thừa Thiên Huế, Phó Giám đốc Trung tâm ung bướu, Bệnh viện Trung ương Huế cho hay ung thư vú nếu được phát hiện và điều trị sớm thì tỷ lệ chữa khỏi bệnh đạt tới 90% và chất lượng sống của bệnh nhân được tăng lên rõ rệt.
Sàng lọc bằng tự khám vú
Ở nước ta bệnh nhân ung thư vú nói riêng cũng như các bệnh ung thư khác đều đến viện khi bệnh muộn nên hiệu quả điều trị chưa được cao, nhiều chị em phải đoạn nhũ.
Trong khi đó, theo PGS Tùng cách phát hiện ung thư vú sớm nhất, hiệu quả nhất chính là khám sàng lọc tìm kiếm ung thư trên người khỏe mạnh.
Hiện nay, có 3 phương pháp sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú là chụp phim vú, khám lâm sàng tuyến vú và chụp cộng hưởng từ tuyến vú ( chỉ áp dụng cho người có nguy cơ cao ).
Nhiều thử nghiệm lâm sàng đang nghiên cứu thêm các test để lấy mẫu mô vú bao gồm chọc hút kim nhỏ, hút dịch núm vú và súc rửa ống dẫn sữa. Một số thông tin cho rằng chụp CT tuyến vú, xạ hình tuyến vú hay áp dụng proton trong sàng lọc ung thư vú… đều không đúng, ngay cả siêu âm cũng chưa được xem là phương tiện sàng lọc tuyến vú .
Biện pháp hữu hiệu để sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú trong cộng đồng ở các nước đang phát triển là hướng dẫn tự khám vú.
Nhiều nghiên cứu cho thấy hướng dẫn tự khám vú đã giảm tỷ lệ tử vong 23,3%, kết quả này tương tự như sàng lọc ung thư vú bằng chụp tuyến vú ở cùng độ tuổi là giảm 25,8% trong khi chi phí chỉ bằng một nửa.
Những nghiên cứu khác cũng cho thấy nếu áp dụng phương pháp hướng dẫn tự khám vú thì sẽ không giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú trong 10 năm nhưng gia tăng tỷ lệ sinh thiết các u lành. Nhìn chung các nhà khoa học nhất trí rằng hướng dẫn tự khám vú là phương pháp mang lại lợi ích trong cộng đồng, đặc biệt là các nước đang phát triển
Khi biết mình bị ung thư nên làm gì?
PGS Tùng cho biết phụ nữ khi mới được chẩn đoán ung thư vú thường rất hoang mang và lo sợ . Việc đầu tiên là họ nghĩ đến cái chết và để lại sau lưng nhiều vấn đề chưa giải quyết được từ con cái, gia đình, công việc và tài chính.
Với những người có chút hiểu biết họ thường tìm hiểu ở những bạn bè, người thân hoặc mạng xã hội về việc chữa trị trước khi quyết định vào viện, số còn lại thì thầy thuốc chuyển đi đâu thì họ theo đó, một số khác vì hoàn cảnh khó khăn họ chọn con đường uống thuốc nam hoặc bỏ bê chẳng điều trị gì.
Khi bị ung thư vú, người bệnh cần được tư vấn kỹ
Nếu bệnh nhân khi vượt qua cú sốc ban đầu thường an tâm điều trị, quyết tâm điều trị để giành lại sự sống nhưng trong thâm tâm họ luôn lo sợ về khả năng đáp ứng của thuốc và liệu không biết có tái phát hay không.
Tiếp xúc với hàng nghìn bệnh nhân ung thư vú, bác sĩ Tùng chia sẻ phụ nữ mắc ung thư vú thường lo sợ nhiều thứ, không những tính mạng của mình mà còn những hệ lụy đối với con, với chồng, kể cả hạnh phúc gia đình và những công việc làm ăn trong và sau điều trị.
Thường thì bệnh nhân ít lưu ý đến chất lượng sống sau điều trị nên điều quan trọng nhất là bệnh nhân cần được tư vấn một cách đầy đủ để tránh những hối tiếc về sau.
Để quá trình điều trị thành công, theo bác sĩ Tùng bệnh nhân cần được biết những gì mình sẽ phải trải qua. Nếu điều trị theo hướng đó thì sẽ tổn thương, mất mát những gì? Lợi ích mang lại là gì? Thời gian và tiền bạc sẽ tốn kém bao nhiêu?…