Dậy thì sớm hiện nay đã trở thành 1 trong những vấn đề khiến các bậc phụ huynh lo lắng hàng đầu. Nhưng không phải bố mẹ nào cũng hiểu rằng bản thân việc nuôi dạy sai cách cũng là nguyên nhân chính của tình trạng này.
Cô bé Dương Dương (Trung Quốc) năm nay 9 tuổi, vốn là con gái đầu lòng nên được bố mẹ hết mực yêu thương. Từ nhỏ cô bé đã thường xuyên ốm vặt, biếng ăn nên gầy gò, thấp bé hơn nhiều so với các bạn đồng trang lứa, khiến gia đình lo lắng vô cùng.
Từ khi Dương Dương bắt đầu vào lớp 1, mẹ cô bé lúc nào cũng than vãn và ép con ăn uống vì lo con đến trường bị các bạn bắt nạt, lại sợ người ngoài cười chê nuôi con không đến nơi đến chốn.
Bà mua đủ các loại thực phẩm chức năng, vitamin tổng hợp, thường xuyên nấu những món nhiều đạm để bồi bổ hàng ngày. Thời gian đầu, Dương Dương vốn kén ăn nên không có hiệu quả, hệ tiêu hóa của cô bé kém nên cũng thường gặp nhiều vấn đề.
Nhưng không vì thế mà bỏ cuộc, vừa vận động tâm lý cho con, vừa tìm kiếm trên mạng và học hỏi những bà mẹ khác, khoảng hơn nửa năm thì mẹ Dương Dương cũng tìm ra chế độ ăn phù hợp cho con mình.
Trời không phụ lòng người, chỉ sau hơn 1 năm, cô bé đã cao thêm 10cm, trông phổng phao hơn hẳn khiến cả nhà đều vui mừng. Chỉ có điều, gần đây cô bé bắt đầu có những dấu hiệu lạ, ngực phát triển bất thường và thậm chí còn có cả kinh nguyệt khi chỉ mới vừa đủ 9 tuổi.
Mẹ Dương Dương hiểu ra tầm nghiêm trọng của vấn đề, liền hốt hoảng đưa con đến bệnh viện thăm khám. Kết quả cho thấy cô bé bị dậy thì sớm, x-quang xương chỉ ra tuổi xương lên tới 12, ngực đã phát triển tương đương bé gái 12 đến 14 tuổi, đã có kinh nguyệt và tình trạng rối loạn nội tiết tố bất thường.
Bác sĩ: bố mẹ trẻ cần lưu ý 8 điều, đừng để chăm con thành hại con
Bác sĩ điều trị cho Dương Dương cho biết, giai đoạn dậy thì thông thường ở trẻ em trai là từ 9 – 14 tuổi, trẻ em gái là từ 8 – 13 tuổi. Nếu ngực của bé gái phát triển trước 8 tuổi và tinh hoàn của bé trai to dần, cùng với dấu hiệu vỡ giọng trước 9 tuổi thì đã dậy thì sớm, cần gặp bác sĩ chuyên khoa để tìm ra nguyên nhân.
Dậy thì sớm hiện tại chưa tìm ra nguyên nhân, nhưng từ phân tích lâm sàng các trẻ em mắc dậy thì sớm thì phổ biến nhất là:
– Có các khối u, đặc biệt là u não.
– Béo phì, thừa cân.
– Hormone bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài, chủ yếu là từ hóa chất hoặc phụ gia hóa dẻo trong đồ chơi, đồ nhựa, văn phòng phẩm, các loại hóa chất diệt côn trùng, tinh dầu…
– Yếu tố tâm lý: nhiều trẻ em không thích bị so sánh với các bạn đồng trang lứa, từ đó sinh ra tâm trạng bất ổn, kích thích các hormone phát triển bất thường.
Với trường hợp của Dương Dương, may mắn là cô bé không có bệnh lý nào liên quan đến khối u. Chính chế độ ăn uống không khoa học đã khiến cô bé thừa cân, cộng thêm áp lực tâm lý từ mẹ và những người xung quanh khiến hormone thay đổi bất thường, gây ra tình trạng dậy thì sớm.
Bác sĩ điều trị cũng nhấn mạnh, những năm gần đây, tỷ lệ dậy thì sớm ở Trung Quốc đang tăng rất nhanh. Theo số liệu khảo sát do Hiệp hội Giáo dục và Nâng cao Sức khỏe Trung Quốc công bố, tỷ lệ dậy thì sớm ở trẻ em ở Trung Quốc là khoảng 0,43%, và cả nước có khoảng 530.000 trẻ em mắc chứng này.
Để phòng tránh dậy thì sớm ở trẻ, các chuyên gia cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh nên lưu ý 8 điểm sau:
– Chế độ ăn uống hợp lý cho trẻ.
– Luôn để trẻ uống nhiều nước.
– Bổ sung canxi, sắt, kẽm… vi chất theo chỉ định từ bác sĩ.
– Giảm sử dụng các sản phẩm nhựa.
– Rèn luyện trẻ đi ngủ sớm và tránh bật đèn đi ngủ.
– Tránh để trẻ tiếp xúc với mỹ phẩm.
– Tránh để trẻ xem phim hoặc sách khiêu dâm.
– Không so sánh, gây áp lực về chiều cao, cân nặng của trẻ.
Khi trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ là dậy thì sớm, tuyệt đối không chủ quan hay giấu giếm, phải đến bệnh viện thăm khám càng sớm càng tốt. Bố mẹ đừng xem nhẹ vì dậy thì sớm không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển, xu hướng tính dục, gây ra biến chứng sức khỏe mà còn có thể là triệu chứng của nhiều bệnh u nang hiểm nghèo.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Woman.tvbs, Metro UK