Một cuộc tranh luận sẽ không bao giờ có kết quả nếu các bên đều muốn giữ quan điểm của mình. Những người giao tiếp chuyên nghiệp sẽ biết cách để xóa bỏ khoảng cách và khiến đối phương bị thuyết phục.
Megan Phelps-Roper là một nhà hoạt động xã hội, lớn lên ở Nhà thờ Thánh Westboro. Cô rời đi 20 năm sau đó bởi những người lạ thích tranh luận trên Twitter đã làm thay đổi suy nghĩ của cô. Ban đầu, những người cô gặp trên Twitter chẳng mấy thân thiện gì, những tranh luận của họ gieo rắc trong cô sự hoài nghi. Và dần dần cả thế giới quan của cô thay đổi, cuối cùng thúc đẩy cô rời khỏi nhà thờ và bỏ lại những đức tin đằng sau lưng.
Trong bài TED Talk của mình, Megan cố gắng thuyết phục tất cả chúng ta rằng hãy lắng nghe và nói chuyện những người bất đồng quan điểm với mình. Dưới đây là 4 mẹo cô đưa ra để giúp chúng ta có thể giao tiếp hiệu quả với họ.
1. Đừng cho rằng họ có ý xấu
Khi bạn cứ mặc định là những người bất đồng quan điểm với bạn là những người có mục đích xấu, bạn sẽ gần như ngay lập tức mất đi sự thấu hiểu về việc tại sao họ lại tin tưởng vào ý kiến và quan điểm của mình như vậy. Nên nhớ họ cũng là con người, cũng phải thông qua trải nghiệm mới định hình suy nghĩ. Khi bạn có suy nghĩ tiêu cực về họ, bạn bắt đầu nổi nóng, và cuộc trò chuyện sẽ rất khó để trở lại như cũ.
Nhưng khi ta thể hiện ý kiến tích cực hoặc trung lập, đầu óc ta sẽ thoải mái hơn và tư duy chặt chẽ hơn khi nói chuyện.
2. Đưa ra câu hỏi
Khi ta kết giao với những người có tư tưởng khác mình, việc đưa ra câu hỏi sẽ giúp ta gắn kết sự khác biệt giữa các quan điểm. Điều đó rất quan trọng, vì chúng ta không thể nào thuyết phục đối phương một cách hiệu quả nếu như chúng ta không hiểu đối phương và cho họ cơ hội chỉ ra những sai sót của cả hai bên.
Nhưng việc đặt câu hỏi còn nhằm một mục đích khác, nó thể hiện rằng bạn đang lắng nghe họ. Những câu hỏi của họ không chỉ cho ta cơ hội được bày tỏ quan điểm, mà còn được hỏi lại họ và chân thành đón nhận câu trả lời từ họ. Điều đó cơ bản thay đổi tính chất cuộc trò chuyện giữa hai người không cùng quan điểm.
3. Giữ bình tĩnh
Để giữ được bình tĩnh đòi hỏi bạn phải có sự luyện tập và phải kiên nhẫn, nó có sức ảnh hưởng rất mạnh mẽ.
Megan chia sẻ: “Khi tôi và chồng mới quen qua Twitter, các cuộc thảo luận của chúng tôi thường nặng nề và gay gắt, nhưng chúng tôi luôn tìm cách tránh đi quá xa. Anh ấy sẽ tìm cách thay đổi chủ đề. Anh ấy sẽ kể chuyện cười, đề xuất một quyển sách hay hoặc nhận lỗi về mình trong cuộc tranh luận. Chúng tôi biết rằng cuộc thảo luận chưa kết thúc, chỉ là tạm dừng để bản thân ổn định lại mà thôi”.
Giao tiếp qua mạng xã hội cũng có một mặt lợi mà ở những cuộc đối thoại trực tiếp không có. Chúng ta có thể tận dụng cái rào cản giữa không gian và thời gian, thứ đang ngăn cách chúng ta với những người bất đồng quan điểm đó. Thay vì cãi nhau, chúng ta có thể ngừng lại, hít thở sâu, thay đổi chủ đề, và bắt đầu lại khi đã sẵn sàng.
4. Không giữ định kiến
Điều này có vẻ hiển nhiên. Tuy nhiên khi mà mỗi người đều quá tin tưởng vào quan điểm của mình thì mặt trái của nó sẽ dẫn đến việc chúng ta đánh giá quá cao vai trò cá nhân của mình. Khi mọi thứ đã quá hiển nhiên và rõ ràng rồi, thì chúng ta chẳng cần phải bàn cãi nữa, và nếu họ không hiểu, thì đó là chuyện của họ, ta không có nhiệm vụ dạy họ điều đó. Nhưng nếu đơn giản như thế, thì chúng ta đã nhìn nhận mọi việc như nhau rồi.
Nếu như không có cuộc tranh luận với những người bạn tốt bụng trên Twitter, thì có lẽ Megan sẽ khó có thể thay đổi cách nhìn nhận của cô về thế giới. Tất cả chúng ta đều là kết quả của quá trình giáo dục, và niềm tin của chúng ta phản ánh những trải nghiệm của chúng ta.
Chúng ta không thể mong người khác tự dưng thay đổi suy nghĩ của họ được. Nếu muốn có sự thay đổi, chúng ta phải tìm cách giải quyết vấn đề, phải nói chuyện và tranh luận để chứng minh rằng họ sai và họ cần phải thay đổi.