Một số dấu hiệu xuất hiện vào ban đêm có thể cảnh báo bệnh tật, bao gồm cả các vấn đề ở tim mạch, gan và cả ung thư.
Một số vấn đề sức khỏe có thể gửi tín hiệu cảnh báo đến cơ thể vào ban đêm, đặc biệt là các vấn đề về sức khỏe tim mạch.
Sau 45 tuổi, nếu ban đêm đi ngủ cơ thể xuất hiện 5 dấu hiệu này, mọi người nên cẩn trọng vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang mắc các bệnh lý nghiêm trọng.
5 dấu hiệu cảnh báo bệnh tật
1. Đau tức ngực vào ban đêm
Đau tức ngực khi nằm xuống vào ban đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề ở hệ tim mạch, hô hấp hoặc hệ tiêu hóa.
Những người mắc bệnh tim mạch vành thường xuất hiện tình trạng đau thắt ngực vào ban đêm. Nguyên nhân là do động mạch cung cấp máu cho cơ tim bị thu hẹp bởi các mảng xơ vữa khiến lưu lượng máu đến cơ tim giảm, từ đó gây ảnh hưởng tới chức năng của tim và dẫn đến tình trạng đau tức ngực.
Ngoài ra, tình trạng đau tức ngực kéo dài cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của bệnh viêm phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
2. Chuột rút, tê hoặc đau ở chân
Nhiều người hay bị chuột rút, tê hoặc đau nhức chân vào ban đêm có thể là dấu hiệu của việc cơ thể thiếu canxi. Tuy nhiên, nếu các dấu hiệu này kéo dài dai dẳng và không thuyên giảm, nó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh động mạch ngoại biên, tiểu đường.
Bệnh động mạch ngoại biên là bệnh lý tắc nghẽn mạch máu ngoại biên, do các mảng xơ vữa và huyết khối, thường gặp nhất là các tổn thương động mạch vùng tiểu khung, chi dưới và chi trên.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng bệnh động mạch ngoại biên góp phần làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc, mắc bệnh tiểu đường, huyết áp cao hoặc cholesterol cao.
Tiến sĩ Adam Staten, Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), Anh cho biết: “Cơn đau chân xuất hiện vào ban đêm có thể là dấu hiệu cảnh báo tình trạng động mạch ngoại biên tương đối nghiêm trọng. Vì trong giai đoạn đầu, bệnh động mạch ngoại biên có thể gây ra các cơn đau chân khi hoạt động hoặc chuột rút ở bắp chân khi đi bộ.
Khi bệnh tiến triển nặng hơn, các động mạch có thể trở nên hẹp hơn, khiến lượng máu chảy xuống chân chậm hơn, các cơ bắp cũng không nhận đủ máu để hoạt động bình thường, các cơn đau và chuột rút có thể xuất hiện cả khi nghỉ ngơi, hoặc vào ban đêm vì máu lưu thông đến chân sẽ bị ảnh hưởng khi bạn nằm thẳng”.
Bên cạnh đó, tình trạng tê chân cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh tiểu đường, Người mắc bệnh tiểu đường thường có lượng đường trong máu tương đối cao. Lượng đường trong máu cao sẽ gây hại cho hệ thần kinh và mạch máu, từ đó gây ra các hiện tượng đa xơ cứng mạch máu và làm thoái hoá hệ thần kinh. Đồng thời, tiểu đường có thể gây ra tình trạng viêm dây thần kinh, dẫn đến tê bì tứ chi.
Nếu tình trạng tê chân do tiểu đường ngày càng gia tăng và không được điều trị kịp thời, người bệnh còn có thể bị mất cảm giác về nhiệt độ và cảm giác đau đớn, ví dụ như khi ngâm chân bằng nước nóng hoặc bị vật nhọn đâm vào chân, người bệnh có khả năng sẽ không cảm nhận được.
3. Thường xuyên tỉnh dậy giữa đêm
Thường xuyên thức dậy vào giữa đêm, chất lượng giấc ngủ kém có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề sức khỏe tim mạch, gan và phổi.
Gan là một ‘trung tâm’ trao đổi chất chính giúp chuyển đổi hormone và chất dinh dưỡng, đồng thời làm sạch máu. Gan sẽ giải độc một cách tự nhiên khi bạn ở trong chu kỳ giấc ngủ non-REM sâu nhất, thường rơi vào khoảng 1-3 giờ sáng.
Tuy nhiên, bác sĩ Brian Lun, Chuyên gia Y học Tích hợp và Chức năng, tại Thành phố Kansas, Mỹ cho biết: “Nhịp sinh học giúp đảm bảo rằng tất cả các cơ quan trong cơ thể hoạt động hài hòa với nhau. Trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 giờ sáng, gan làm việc chăm chỉ để làm sạch và giải độc.
Tuy nhiên, nếu gan hoạt động kém hiệu quả khiến chất béo tích tụ và ứ đọng, cơ thể sẽ cố gắng phân bổ nhiều năng lượng hơn để tăng cường chức năng giải độc của gan và kích hoạt hệ thần kinh khiến mọi người thức giấc giữa đêm”.
Ngoài ra, thức dậy giữa đêm cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ. Hội chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra khi lưỡi và các mô mềm ở hầu họng giãn ra, gây tắc nghẽn một phần hoặc tắc nghẽn hoàn toàn đường thở. Điều này có thể khiến phổi, não bộ, tim và các cơ quan khác trong cơ thể bị tổn thương do tình trạng giảm nồng độ oxy trong máu.
4. Đau đầu
Đau đầu dữ dội, dai dẳng có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo nguy cơ đột quỵ. Nguyên nhân là do tình trạng tắc nghẽn mạch máu não hoặc vỡ động mạch máu não khiến lượng máu chảy lên não bị gián đoạn. Tình trạng thiếu máu lên não có thể khiến nhu mô não bị thiếu oxy, thiếu dinh dưỡng, dẫn đến hoại tử tế bào não.
Vị trí của cơn đau đầu do đột quỵ có thể xuất hiện ở những khu vực khác nhau. Ví dụ như cơn đột quỵ bắt đầu từ vấn đề ở động mạch cảnh (động mạch chính ở cổ đưa máu lên não) có thể gây đau đầu ở khu vực trán; Hoặc đột quỵ xảy ra tại hệ thống động mạch ở đốt sống lưng (cung cấp máu cho phần sau của não) có thể gây đau phía sau đầu.
5. Khó thở
Khó thở vào ban đêm có thể là một trong những dấu hiệu cảnh báo suy tim hoặc các vấn để ở phổi.
Suy tim khiến chức năng tim suy giảm, gây ảnh hưởng tới hoạt động bơm máu của tim. Tình trạng khó thở thường trầm trọng hơn vào ban đêm khi người bệnh nằm xuống do máu ở chân chảy ngược về tim khiến tim không thể xử lý kịp thời.
Ngoài ra, khó thở cũng có thể cảnh báo các vấn đề ở phổi, bao gồm cả ung thư phổi. Triệu chứng khó thở có thể xuất hiện đột ngột hoặc xuất hiện từ từ trong vài tuần hoặc vài tháng. Tình trạng khó thở cũng có thể tồi tệ hơn vào ban đêm khi nằm ngủ. Nguyên nhân gây khó thở có thể là do khối u chèn ép ở trong phổi.
Ngoài ra, ung thư phổi có thể gây ra tình trạng tràn dịch màng phổi, khiến chất lỏng tích tụ xung quanh phổi. Chất lỏng tích tụ trong lồng ngực cũng có thể gây ra tình trạng khó thở.