Khách sạn hạng sang sẽ tăng gấp đôi đến 2028

Nguồn cung khách sạn, resort hạng sang sẽ dẫn dắt thị trường bất động sản nghỉ dưỡng với nguồn cung dự kiến tăng gấp đôi đến 2028, theo Savills Hotels.

Trong báo cáo mới đây, đơn vị chuyên nghiên cứu, tư vấn bất động sản nghỉ dưỡng Savills Hotels, cho biết Việt Nam xếp thứ hai về số lượng khách sạn, khu nghỉ dưỡng đang triển khai ở châu Á – Thái Bình Dương, chỉ sau Ấn Độ.

Từ nay đến 2028, Việt Nam dự kiến có hơn 190 dự án với khoảng 49.800 phòng được đưa vào hoạt động. Gần 75% số dự án đang triển khai thuộc phân khúc cao cấp. Phân khúc hạng sang hiện có 7 dự án đang hoạt động, dự kiến tăng hơn hai lần trong 4 năm tới. Những dự án này sẽ được quản lý, vận hành bởi các thương hiệu quốc tế lâu đời.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho biết phân khúc khách sạn hạng sang đang chủ yếu tập trung ở TP HCM, Hà Nội và Phú Quốc. Ba địa phương này chiếm một nửa tổng nguồn cung tại Việt Nam. Trong thời gian tới, nguồn cung có sự dịch chuyển đến các địa điểm mới như Phú Yên, Sa Pa, Ninh Bình hay Vĩnh Phúc – những điểm đến nổi tiếng về cảnh sắc thiên nhiên và văn hóa địa phương.

Khách sạn Hilton Hà Nội Opera (quận Hoàn Kiếm) đang trong quá trình tái định vị thương hiệu. Ảnh: Hilton Hà Nội Opera

Khách sạn Hilton Hà Nội Opera (quận Hoàn Kiếm) đang trong quá trình tái định vị thương hiệu. Ảnh: Hilton Hà Nội Opera

Không chỉ phân khúc hạng sang, Savills Hotels đánh giá phân khúc trung cấp với mô hình dịch vụ chọn lọc (focused service) cũng được các chủ đầu tư chú ý. Mô hình này chỉ cung cấp dịch vụ ở mức cơ bản nên có ưu điểm tinh gọn, tập trung vào một số dịch vụ chọn lọc tùy theo đặc điểm thị trường và nhu cầu của nguồn khách.

Mô hình này phù hợp với các điểm đến có sẵn nhiều tiện ích như khu vui chơi giải trí, ẩm thực giúp chủ đầu tư khách sạn có thể tiết giảm các tiện ích và dịch vụ. Điều này giúp giá bán phòng và chi phí vận hành được giảm bớt mà vẫn không ảnh hưởng đến trải nghiệm của du khách. Savills Hotels dự báo quy mô số phòng của khách sạn dịch vụ chọn lọc có thể tăng khoảng 70% trong 4 năm tới, đạt khoảng 14.600 phòng. Trên thị trường, đơn vị Hilton đang có kế hoạch tăng gấp đôi dự án mang thương hiệu Hilton Garden Inn dành cho phân khúc dịch vụ chọn lọc tại Việt Nam những năm tới.

Trong bối cảnh ngành du lịch đang phục hồi tích cực, ông Mauro Gasparotti cho rằng các chủ đầu tư khách sạn, khu nghỉ dưỡng cần tìm cách “làm mới” mình để gia tăng cạnh tranh. Bởi một hợp đồng quản lý khách sạn thường có thời hạn 10-15 năm. Tính từ thời điểm làn sóng phát triển khách sạn hạng sang từ những năm 2008-2010, nhiều hợp đồng đến nay đã gần hết hạn.

Nhiều chủ đầu tư đã cân nhắc phương án tái định vị thương hiệu, nâng cấp lên phân khúc cao hơn. Đơn cử, khách sạn Hilton Hà Nội Opera (quận Hoàn Kiếm) đang trong quá trình nâng cấp thành dự án mang thương hiệu Waldorf Astoria đầu tiên tại Việt Nam. Hay Meliá Ba Vì Mountain Retreat (huyện Ba Vì) sẽ được tái định vị thành Meliá Ba Vì Mountain, Member of Meliá Collection.

Giai đoạn 2022-2023, thị trường đã ghi nhận tỷ lệ dự án chuyển đổi thương hiệu cao kỷ lục, chiếm đến 52% tổng số dự án mang thương hiệu quốc tế được mở mới. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng, ước tính đạt khoảng 30% tổng nguồn cung mở mới trong năm nay.

Ngọc Diễm

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin