Dùng điều hòa đã lâu song khi gặp hiện tượng điều hòa đóng băng, đóng đá, không phải người dùng nào cũng biết cách xử lý.
Vào những ngày nắng nóng cao điểm, điều hòa chính là thiết bị làm mát được ưu tiên sử dụng tại nhiều gia đình. Thiết bị được đánh giá đem lại hiệu quả làm mát tốt, nhanh và sâu hơn so với quạt máy, đáp ứng được nhu cầu của mọi thành viên trong gia đình. Hiện nay có thể nói, điều hòa là thiết bị thiết yếu trong các gia đình hiện đại.
Quen thuộc là vậy song không phải ai cũng nắm rõ các vấn đề của thiết bị, đặc biệt là khi thiết bị xuất hiện “hiện tượng lạ”. Trường hợp sau đây là một ví dụ – đó là khi điều hòa bị đóng băng, đóng đá. Nhiều người dùng sẽ nghĩ, có thể do nhiệt độ điều hòa đang quá thấp, gió quá lạnh nên hiện tượng này là bình thường. Tuy nhiên trên thực tế, không chỉ đơn giản như vậy.
Các chuyên gia có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực điện lạnh cho biết, việc điều hòa đóng băng, đóng đá cảnh báo dấu hiệu thiết bị đang gặp vấn đề sâu từ bên trong.
Chuyên gia đưa ra phân tích
Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc điều hòa nói chung, hay khu vực dàn lạnh, cục nóng điều hòa nói riêng xuất hiện hiện tượng đóng băng, đóng đá. Trong đó, nguyên nhân đầu tiên được chỉ ra, cũng chính là nguyên nhân phổ biến nhất, chính là do điều hòa bị thiếu hụt hoặc hết gas.
Gas điều hòa là một môi chất làm lạnh, có nhiệm vụ vận chuyển hơi nhiệt từ nơi có nhiệt độ thấp hơn thải đến nơi có nhiệt độ cao hơn. Việc thải nhiệt của gas điều hòa giúp cho nhiệt độ căn phòng được duy trì như người dùng cài đặt. Chính bởi tính chất này là gas là thành phần vô cùng quan trọng và cần thiết trong quá trình hoạt động của mọi chiếc điều hòa.
Sau một thời gian dài sử dụng, lượng gas nhất định được nạp vào ban đầu của thiết bị sẽ bị cạn đi, giảm dần hoặc hết. Lúc này, điều hòa sẽ không phả ra gió mát nữa, hoặc luồng khí lạnh không chỉ tỏa rộng ra không gian. Thay vào đó chúng sẽ chỉ tập trung tại một vị trí trên dàn lạnh, từ đó gây ngưng đọng và tạo thành đá, băng tuyết ngay trước dàn lạnh.
Điều hòa hết gas khiến khí lạnh không thể tỏa rộng ra cả không gian, tích tụ ở khu vực dàn lạnh khiến xuất hiện tình trạng đóng băng, đóng đá (Ảnh minh họa)
Các chuyên gia cũng chỉ ra một vài nguyên nhân khác khiến dàn lạnh điều hòa có băng, đá hay tuyết, bao gồm điều hòa bị nghẹt đường dẫn gas; cánh quạt tản nhiệt bên trong thiết bị bị hỏng; kỹ thuật lắp điều hòa sai; nhiệt độ môi trường bên ngoài đang ở mức quá thấp…
Bên cạnh dàn lạnh, cục nóng điều hòa cũng là bộ phận có thể xuất hiện tình trạng đóng băng, đóng đá. Tuy nhiên ít gặp hơn. Những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng này bao gồm:
– Cục nóng điều hòa quá bẩn, lâu ngày không được vệ sinh, từ đó gây gián đoạn quá trình tản nhiệt của thiết bị.
– Ống đồng đầu hút bị gập, hơi lạnh từ bên trong thiết bị không được giải phóng tối ưu qua cục nóng, vì thế bị tích tụ lại.
Xử lý điều hòa bị đóng băng, đóng đá thế nào?
Ngay khi phát hiện tình trạng điều hòa xuất hiện lớp băng, đá hay tuyết bị đóng lại, tốt hơn hết người dùng không nên tiếp tục sử dụng thiết bị. Mà hãy tắt, ngắt điện, để thiết bị nghỉ ngơi. Khi này, thiết bị sẽ không cung cấp hơi lạnh nữa, băng, đá hay tuyết sau một thời gian sẽ tan dần, chảy thành nước. Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người dùng không nên tác động thêm nước hay khăn ẩm vào lớp băng, đá, tuyết đang đóng ở điều hòa. Tốt nhất nên để chúng tan chảy tự nhiên.
Người dùng có thể dùng một chiếc chậu, hoặc một tấm khăn vải dày, đặt ở sàn nhà, ngay bên dưới khu vực băng, đá, tuyết của điều hòa có thể chảy ra. Việc làm này giúp hạn chế khả năng nước chảy ra từ băng, đá, tuyết gây trơn trượt hay ảnh hưởng tới không gian.
Sau khi băng, đá, tuyết đã tan hết, người dùng vệ sinh qua khu vực dàn lạnh hoặc cục nóng điều hòa bằng khăn vải khô. Cuối cùng là liên hệ tới các đơn vị sửa chữa, bảo dưỡng điều hòa chuyên nghiệp để tiến hành kiểm tra thiết bị sâu từ bên trong, xác định đúng nguyên nhân và đưa ra giải pháp giải quyết triệt để.
Hiện tượng điều hòa bị đóng băng, đá, tuyết nên được xử lý và khắc phục càng sớm càng tốt. Bởi để càng lâu, tình trạng sẽ càng nghiêm trọng và ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của thiết bị, gây tiêu tốn điện năng thậm chí tiềm ẩn nguy cơ gây hư hỏng thiết bị hoàn toàn.