Các bệnh lý về tim mạch luôn được xem là “sát thủ thầm lặng”. Vậy nên bạn cần nhận biết sớm dấu hiệu của bệnh thông qua 5 thay đổi trên da như sau.
Bệnh tim được nhiều chuyên gia khẳng định là “sát thủ thầm lặng” vì chúng khởi phát bất ngờ, tới lúc phát hiện lại rất khó trở tay kịp. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), mỗi năm có đến 610.000 người chết vì các vấn đề liên quan đến tim mạch. Đáng sợ hơn là không phải tất cả các vấn đề về tim đều có dấu hiệu rõ ràng, hầu như ai cũng chủ quan bỏ qua.
Bệnh tim luôn diễn ra âm thầm, tới lúc phát hiện lại không thể trở tay kịp.
Nhìn chung, việc nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh tim chính là điều nên làm để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Theo các chuyên gia từ Học viện Da liễu Mỹ (AAD), ngoài những tín hiệu quen thuộc như đau ngực hoặc khó thở… thì việc quan sát những thay đổi trên làn da cũng có thể phát hiện sớm bệnh tim , tất cả bao gồm:
– Da có màu xanh lam và thâm tím
– Da có những mảng màu vàng cam
– Da có nhiều đốm mụn nổi lên như sáp
– Phát ban hoặc có các đốm bất thường
– Da đổi màu hơi nâu hoặc đỏ sẫm
Cụ thể 5 dấu hiệu bệnh tim trên da như sau:
1. Da có màu xanh lam và thâm tím
Khi thời tiết lạnh quá mức, làn da sẽ chuyển sang màu xanh lam hoặc tím vì mạch máu co lại. Tuy nhiên, nếu da bạn vẫn xuất hiện tình trạng này kể cả khi trời nắng nóng thì hãy cẩn thận bệnh tim đang “tiềm ẩn” trong người. Đây là dấu hiệu cho thấy máu đang bị thiếu oxy, hoặc tuần hoàn máu gặp trục trặc nên không đủ để nuôi dưỡng tim.
Da bầm tím, tái xanh có thể là dấu hiệu tuần hoàn máu gặp trục trặc.
Khi thấy toàn thân bị tím tái cộng thêm khó thở, tức ngực liên tục thì bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Lúc này cơ thể còn hay bị lạnh và tái nhợt, trên da nổi vân tím và đầu ngón tay lẫn ngón chân đều thâm tím. Cần phải được điều trị sớm kẻo làm tăng nguy cơ tử vong.
2. Da có những mảng màu vàng cam
Khi làn da xuất hiện những mảng, khối u màu vàng cam cũng đồng nghĩa bạn đang bị tích tụ cholesterol dưới da. Những cholesterol này sẽ lắng đọng dưới da, không gây đau và thường xuất hiện ở khóe mắt, lòng bàn tay hoặc mặt sau cẳng chân.
Khi cholesterol trong cơ thể quá nhiều sẽ tạo điều kiện cho các mảng bám tích tụ trong động mạch. Chúng dần dần hình thành các mảng xơ vữa và làm thu hẹp lòng động mạch, cản trở quá trình lưu thông máu . Nếu tình trạng này xảy ra ở mạch vành tim sẽ gây nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Những mảng vàng cam này là cholesterol bị tích tụ lại, thường gặp ở mắt.
Lúc này, bạn cần đến bệnh viện khám để được bác sĩ xét nghiệm nồng độ cholesterol trong máu.
3. Da có nhiều đốm mụn nổi lên như sáp
Những đốm mụn nổi lên như sáp cũng là dấu hiệu cảnh báo lượng cholesterol trong cơ thể đang quá cao. Bề ngoài chúng giống như phát ban, mụn cóc hoặc một tình trạng bệnh lý gọi là u mềm lây. Thực chất, những đốm mụn này là chất béo tích tụ lại dưới da và gây viêm sưng.
Khi chất béo và cholesterol trong cơ thể quá cao sẽ làm mở rộng tâm nhĩ, tâm thất và gây xơ vữa động mạch. Từ đó góp phần trực tiếp tạo nên bệnh tim mạch. Theo Hiệp hội tim mạch Mỹ cho biết, những người bị béo phì thường có nguy cơ cao bị suy tim , đột quỵ hoặc mắc phải một số căn bệnh về tim mạch khác.
4. Phát ban hoặc có các đốm bất thường
Theo 2 dự án nghiên cứu từ Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học Lâm sàng cùng Tạp chí của trường Cao đẳng Tim mạch Mỹ cho thấy, bệnh chàm và bệnh zona là những yếu tố nguy cơ cao gây nên bệnh tim. Dấu hiệu ban đầu của 2 loại bệnh này chính là phát ban và nổi các đốm bất thường trên da.
Cụ thể hơn, những người bị bệnh chàm có 48% khả năng mắc cao huyết áp và 29% bị cholesterol cao. Còn những người bị bệnh zona sẽ có nguy cơ bị đau tim cao hơn 59% so với những người khỏe mạnh. Vậy nên bạn cần phải đi khám da liễu ngay khi mắc bệnh để được bác sĩ tìm cách điều trị.
5. Da đổi màu hơi nâu hoặc đỏ sẫm
Đây là dấu hiệu ban đầu cho thấy bạn đang bị nhiễm trùng ở tim hoặc mạch máu. Triệu chứng này thường xảy ra ở gót chân, ngón chân hoặc trong lòng bàn tay. Bên cạnh đó, da đổi màu hơi nâu hoặc đỏ sẫm cũng là dấu hiệu của một bệnh nhiễm trùng tim gọi là viêm nội mạc nhiễm trùng.
Theo AAD, Webmd