“Dự báo trong năm 2016, lạm phát sẽ xoay quanh mức 1% với biên độ ±1%, sau khi loại trừ các yếu tố tăng giá bằng mệnh lệnh hành chính. Trong giai đoạn đầu năm, lạm phát có xu hướng tăng lên trên 1%. Tuy nhiên, trong nửa sau của năm 2016 lạm phát khả năng có xu hướng chững lại, thậm chí có thể giảm”. Đó là nhận định của TS. Nguyễn Đức Độ (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, trong trao đổi với ĐTTC.
Phóng viên: – Đâu là lý do ông đưa ra nhận định như vậy?
Ông Nguyễn Đức Độ : – Giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh là 1 trong nhiều nguyên nhân khiến CPI tăng thấp trong năm 2015. Tuy nhiên, lạm phát thấp còn do nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn. Mặc dù GDP tăng ấn tượng trong năm 2015 – đạt mức 6,68% – nhưng 1 năm tăng trưởng trên mức tiềm năng chưa đủ để bù lại cho cả giai đoạn 2008-2014 tăng trưởng dưới mức tiềm năng.
Hơn nữa, trong 6 tháng đầu năm 2016, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,52%, là mức tương đối thấp. Tổng cung vì vậy hiện vẫn lớn hơn tổng cầu và tiếp tục tạo áp lực khiến lạm phát suy giảm. Kịch bản về giá cả năm 2016 cũng sẽ tương tự những gì đã diễn ra trong năm 2015. Lạm phát năm 2016 chủ yếu phụ thuộc vào mức tăng giá dịch vụ y tế. Theo đó, nếu GDP tăng trưởng ở mức 6-6,3%, xu hướng giảm nói trên có thể tiếp tục và lạm phát trong năm 2017 nhiều khả năng về mức 0%. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi ở mức 6,7-7% trong 2016, lạm phát có thể tiến về mức 2% trong 2017.
– Cùng với dự báo lạm phát ở mức thấp, nhận định của ông về lãi suất và tỷ giá ra sao?
Để giảm được lãi suất theo lạm phát, trước tiên cần hạn chế tình trạng găm giữ USD. Cách hiệu quả là không phá giá nhiều, bởi không thể vừa phá giá tiền đồng, vừa kêu gọi người dân nắm giữ VNĐ với lãi suất thấp. Nói cách khác, ổn định tỷ giá là điều kiện cần để hạ lãi suất. Đây là điều NHNN đang thực hiện.
– Lãi suất chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ mất giá của VNĐ. Với việc lạm phát được dự báo tiếp tục ổn định ở mức thấp, đây sẽ là điều kiện thuận lợi để giảm mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, cơ hội giảm lãi suất khi lạm phát thấp có được tận dụng phụ thuộc vào sự biến động của tỷ giá hối đoái. Tâm lý đầu tư của người dân mang tính bầy đàn và thuận theo xu hướng.
Kỳ vọng mức mất giá của VNĐ trong tương lai được xây dựng trên cơ sở mức mất giá thực tế của nó trong quá khứ. Bởi vậy, khi giá USD tăng sẽ kích thích người dân găm giữ USD nhiều hơn. Nếu người dân không sẵn sàng nắm giữ VNĐ, sẽ rất khó giảm lãi suất. Nếu trong năm 2016 đồng USD chỉ tăng giá khoảng 2% so với VNĐ, mặt bằng lãi suất huy động được dự đoán giảm 0,5%. Còn việc VNĐ bị mất giá bao nhiêu so với USD phụ thuộc chủ yếu vào ý chí và sự kiên định của NHNN trong việc thực hiện mục tiêu ổn định tỷ giá và chống đô la hóa đã đề ra.
– Vậy, theo ông VNĐ đang được định giá cao hay thấp?
– Các nhà kinh tế thường sử dụng lý thuyết ngang giá sức mua để trả lời câu hỏi này. Lý thuyết ngang giá sức mua được xây dựng trên cơ sở quy luật một giá, theo đó một hàng hóa sẽ được định giá như nhau ở mọi nơi khi quy đổi ra cùng một đồng tiền. Chẳng hạn, nếu chiếc bánh Bic Mac có giá 4USD tại Hoa Kỳ và 60.000 đồng tại Việt Nam, mức tỷ giá theo ngang giá sức mua sẽ là 15.000 đồng/USD.
Với mức tỷ giá này, người tiêu dùng có 60.000 đồng hay 4USD đều có thể mua được 1 chiếc bánh Big Mac, cho dù đang sống tại Hoa Kỳ hay Việt Nam. Trong trường hợp tỷ giá là 20.000 đồng/USD, tiền đồng bị định giá thấp, vì 60.000 đồng không mua được 1 chiếc Big Mac tại Hoa Kỳ. Ngược lại, nếu tỷ giá là 10.000 đồng/USD, tiền đồng được định giá cao.
Tuy nhiên, một chiếc bánh Big Mac không thể đại diện cho cả nền kinh tế. Vì thế, việc tính ngang giá sức mua của các đồng tiền phức tạp hơn nhiều. Mặc dù vậy, để các quốc gia có thêm cơ sở so sánh tiềm lực kinh tế của mình với các quốc gia khác, thay vì chỉ dựa trên GDP tính bằng USD theo tỷ giá thị trường, các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hàng năm tính GDP các nước theo chuẩn ngang giá sức mua.
Theo đó, bằng cách so sánh GDP của Việt Nam với GDP các nước tính theo chuẩn này, cũng như tính theo tỷ giá thị trường, chúng ta có thể biết được VNĐ đang được định giá cao hay thấp so với các đồng tiền trên thế giới. Nếu tỷ giá thị trường phản ánh đúng ngang giá sức mua, tỷ lệ GDP của các nước so với GDP của Việt Nam sẽ phải như nhau theo mọi cách tính.
Theo số liệu được dự báo và ước tính của IMF, GDP của Việt Nam năm 2015 tính theo ngang giá sức mua vào khoảng 551 tỷ USD quốc tế, còn GDP của Trung Quốc 19.509 tỷ USD quốc tế – gấp 35,4 lần GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ giá thị trường, GDP năm 2015 của Việt Nam 198 tỷ USD, Trung Quốc 11.384 tỷ USD, lớn hơn GDP của Việt Nam 57,5 lần.
Nguyên nhân của sự chênh lệch này là do đồng nhân dân tệ (CNY) đang được thị trường định giá cao hơn nhiều so với VNĐ. Giả sử, nếu đồng CNY trong năm nay mất giá mạnh và xuống còn 10CNY/USD, lúc đó nền kinh tế có quy mô khoảng 70.000 tỷ CNY của Trung Quốc sẽ chỉ tương đương 7.000 tỷ USD và gấp 35,4 lần GDP của Việt Nam theo tỷ giá thị trường – đúng bằng mức chênh lệch GDP giữa 2 nước tính theo ngang giá sức mua. Như vậy, nếu lấy cách tính ngang giá sức mua của IMF và WB làm chuẩn, trong trường hợp Việt Nam cố định tỷ giá, còn Trung Quốc phá giá khoảng 5-7%/năm, sau 5 năm nữa CNY vẫn còn mạnh hơn VNĐ.
Cũng theo cách tính này, trong số các nước ASEAN-5, Indonesia và Thái Lan là 2 quốc gia có đồng tiền được định giá thấp hơn VNĐ. Trong khi đó các đồng tiền của Malaysia và Philippines được định giá cao hơn VNĐ. Singapore là quốc gia thuộc ASEAN-5 có đồng tiền được định giá cao nhất.
Tính theo tỷ giá thị trường, GDP của nước này gấp 1,48 lần GDP của Việt Nam, nhưng đồng SGD của Singapore còn được định giá cao hơn cả CNY. Tuy nhiên, cho dù tính theo ngang giá sức mua hay tính theo tỷ giá thị trường, nếu lấy tổng GDP của các nước ASEAN-5 chia cho GDP của Việt Nam, chúng ta đều nhận được con số khoảng 10,8 lần. Điều đó có nghĩa vào thời điểm hiện nay VNĐ không được định giá cao hơn hay thấp hơn so với đồng tiền của các nước ASEAN-5 nói chung.
So với USD, VNĐ của Việt Nam đang được định giá quá thấp. Nếu tính theo ngang giá sức mua, nền kinh tế Hoa Kỳ chỉ lớn gấp 32 lần nền kinh tế Việt Nam, nhưng khi tính theo tỷ giá thị trường, nền kinh tế Việt Nam lại chỉ bằng 1/90 nền kinh tế Hoa Kỳ. Để phản ánh được ngang giá sức mua, tỷ giá thị trường phải ở mức khoảng 8.000 VNĐ/USD. Lúc đó, nền kinh tế hơn 4 triệu tỷ đồng của Việt Nam mới tương đương mức 551 tỷ USD và bằng 1/32 nền kinh tế Hoa Kỳ.
– Xin cảm ơn ông.