Tỷ giá vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro

Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.

Diễn biến tỷ giá USD/VND trong hai quý đầu năm tương đối bình ổn. Theo báo cáo của CTCK Bảo Việt (BVSC), kể từ khi cơ chế tỷ giá trung tâm chính thức được NHNN đưa vào vận hành, mức biến động của tỷ giá này là tương đối nhỏ, phổ biến dao động trong khoảng từ 21.845 đến 21.939 VND/USD.

Tính chung trong trong 6 tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm giảm nhẹ 0,14%. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng có mức giảm mạnh hơn so với tỷ giá trung tâm (-0,8%).

Theo BVSC, có hai nguyên nhân chính khiến tỷ giá USD/VND có chiều hướng sụt giảm trong quý vừa qua.

Thứ nhất, về nguyên nhân khách quan, đồng USD trên thị trường thế giới có xu hướng giảm mạnh. So với thời điểm đầu năm, chỉ số Dollar Index tính đến ngày 30/06/2016 đã giảm 3%, trong đó giảm mạnh nhất là so với JPY (-14,7%) và EUR (-2,4%). Sự kiện Brexit vào ngày 23/06 vừa qua giúp đồng USD có sự hồi phục nhất định so với đồng EUR (tăng 2,5%) nhưng về tổng thể, xét trong 6 tháng đầu năm thì đồng USD vẫn có xu hướng yếu đi so với đồng tiền chung của các nước châu Âu. Việc đồng USD giảm giá so với các đồng tiền chủ chốt khác như JPY, EUR là diễn biến khá bất ngờ xét trong bối cảnh FED vẫn đang trong tiến trình tăng dần lãi suất trong khi NHTW châu Âu và Nhật Bản tiếp tục duy trì các biện pháp nới lỏng tiền tệ bằng các gói QE và chính sách lãi suất âm.

Trong khi đó, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc trong hai quý vừa qua lại giảm nhẹ 1,5% so với USD. Như vậy, trong 6 tháng vừa qua, các đồng tiền chủ chốt trong rổ tính tỷ giá trung tâm của NHNN có diễn biến trái chiều nhau nhưng mức độ lên giá của JPY và EUR vẫn nhiều hơn so với mức mất giá của USD và CNY. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến VND tăng giá nhẹ so với USD.

Thứ hai, về nguyên nhân chủ quan, cán cân thương mại liên tục duy trì ở trạng thái thặng dư trong sáu tháng đầu năm 2016 (tính đến cuối tháng 6, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD). Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI ghi nhận sự đột biến với mức tăng 105% của vốn đăng ký so với cùng kỳ. Diễn biến này không nằm ngoài kỳ vọng khi tiến trình hội nhập của Việt Nam ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và những kỳ vọng vào Hiệp định thương mại tự do TPP.

Tổng hợp những diễn biến trên đã giúp bổ sung nguồn cung ngoại tệ thực tế trên thị trường, góp phần làm giảm kỳ vọng VND tiếp tục giảm giá so với USD trong ngắn hạn. Ở một diễn biến khác, sự dư thừa về ngoại tệ đã tạo điều kiện để NHNN tiến hành mua vào USD giúp cải thiện dự trữ ngoại hối (ước tính con số này lên tới 8 tỷ USD và có thể được NHNN tập trung mua mạnh nhất trong thời điểm tháng 5).

Tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với tỷ giá

Mặc dù có diễn biến tương đối bình ổn trong sáu tháng đầu năm nhưng BVSC đánh giá diễn biến tỷ giá trong 6 tháng còn lại của năm nay vẫn rất khó lường và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Xu hướng khó dự báo của các đồng tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY và đặc biệt là CNY sẽ là những yếu tố khách quan gây trở ngại không nhỏ cho các quyết định điều hành của NHNN.

Ngoài ra, tình trạng xuất siêu cũng chưa thật sự bền vững khi không xuất phát từ việc xuất khẩu tăng trưởng mạnh (chỉ tăng 6% YoY) mà chủ yếu do nhập nhập khẩu giảm bớt (giảm 0,5% YoY).

Theo quy luật một số năm gần đây, tỷ giá thường chịu sức ép lớn từ cuối quý II trở đi khi các yếu tố như nhập khẩu, lạm phát, biến động thị trường tiền tệ thế giới cùng cộng hưởng tại một thời điểm. Năm nay cũng không phải là ngoại lệ khi sự kiện Brexit vừa qua được dự báo sẽ còn có ảnh hưởng lâu dài, gây tác động mạnh tới giao dịch của các đồng tiền chủ chốt trên thế giới.

Ngoài ra, xu hướng tăng trở lại khá rõ nét của lạm phát trong hai quý cuối năm cũng có thể là một trong những nhân tố gây sức ép lên tỷ giá.

Theo tính toán của BVSC, mặc dù tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa vẫn nằm trong vùng an toàn, nhưng tỷ giá hữu hiệu thực đã tăng lên vùng “đáng lưu ý” đối với khả năng điều chỉnh tỷ giá của NHNN. Nếu NHNN không hành động kịp thời, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ chịu tác động tiêu cực và từ đó ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của nền kinh tế.

“Trong kịch bản trung bình, chúng tôi dự báo VND sẽ giảm giá khoảng 2-3% so với USD trong năm 2016”, BVSC dự đoán.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin