Đây là một trong những kỳ vọng của ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC tại Việt Nam. Theo ông Hải, tỷ lệ mất giá của Việt Nam đồng trong năm 2016 chắc chắn sẽ cao hơn mức điều chỉnh tỷ giá thông thường hàng năm từ 1-2% như trước đây.
Vận hành cơ chế mới: Thuận lợi và thử thách
Chia sẻ tại buổi giao lưu trực tuyến: Đường đi của tỷ giá 2016 do Vneconomy tổ chức, ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho biết trên cơ sở đánh giá các mặt tích cực cũng như tồn tại của điều hành tỷ giá những năm gần đây, cùng với nghiên cứu kinh nghiệm của Ngân hàng Trung ương các nước, từ đầu năm 2016, NHNN thay đổi cách thức điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn.
Việc NHNN công bố tỷ giá trung tâm hàng ngày tham chiếu tỷ giá trong nước, diễn biến của 8 đồng tiền quốc tế và cân đối vĩ mô, tiền tệ sẽ tạo ra một số thuận lợi như:
Tỷ giá phản ánh sát thị trường sẽ giúp cung – cầu ngoại tệ thông suốt hơn, các hoạt động mua bán ngoại tệ sẽ ngày càng thuận lợi.
Việc NHNN điều chỉnh tỷ giá trung tâm hàng ngày với mức biến động nhỏ sẽ không gây sốc cho thị trường cũng như doanh nghiệp, đồng thời, sẽ hạn chế đáng kể tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Tỷ giá trung tâm tham chiếu diễn biến tỷ giá của một số đồng tiền trên thị trường quốc tế sẽ hạn chế tác động của các cú sốc bên ngoài đối với thị trường ngoại hối trong nước.
Tỷ giá linh hoạt, biến động hàng ngày sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp chú trọng hơn công tác phòng ngừa rủi ro tỷ giá, giúp cho thị trường phái sinh ngoại tệ phát triển.
Tuy nhiên, việc thực hiện cơ chế mới cũng đặt ra một số thách thức. Thứ nhất, NHNN cần phải chủ động và theo dõi sát sao diễn biến thị trường, đặc biệt là việc đánh giá, nhận định sự tác động của các yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế đến diễn biến tỷ giá, thị trường ngoại ngoại tệ hàng ngày và cả trong dài hạn để có cách thức điều hành tỷ giá phù hợp.
Thứ hai, để ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ, bên cạnh các công cụ can thiệp truyền thống như bán ngoại tệ giao ngay để can thiệp thị trường, NHNN trong thời gian qua đã xây dựng thêm những công cụ mới như giao dịch forward giữa NHNN với các tổ chức tín dụng, đồng thời trong thời gian tới cũng sẽ có một số quy định mới nhằm hướng tới mục tiêu giảm thiểu đầu cơ ngoại tệ trên cả thị trường 1 và thị trường 2.
Đường đi của tỷ giá năm 2016
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng năm 2016 và những năm tiếp theo, tổng ngoại tệ vào Việt Nam vẫn lớn hơn tổng ngoại tệ ra khỏi Việt Nam. Nói cách khác cung cầu ngoại tệ về cơ bản là dư thừa nếu Việt Nam khắc phục được tình trạng găm giữ ngoại tệ.
Với cơ chế mới về quản lý ngoại hối và các biện pháp ngăn chặn tình trạng găm giữ đã được Ngân hàng Nhà nước công bố có thể thấy biến động của tỷ giá hối đoái không lớn, khoảng 3%.
Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải dự báo thị trường tài chính thế giới trong năm 2016 chắc chắn vẫn tiếp tục biến động hết sức phức tạp, do đó chính sách tỷ giá của Việt Nam cần được điều chỉnh linh hoạt. Tỷ lệ mất giá của Việt Nam đồng trong năm 2016 chắc chắn sẽ cao hơn mức điều chỉnh tỷ giá thông thường hàng năm từ 1-2% như trước đây.
“Do đồng Nhân dân tệ và các đồng tiền mới nổi đã mất giá mạnh và được kỳ vọng vẫn sẽ biến động trong thời gian sắp tới, tuy nhiên, mục tiêu về ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là mục tiêu quan trọng trong năm 2016, do đó, tôi không kỳ vọng tỷ giá VND sẽ biến động mạnh như các đồng tiền trong khu vực.Tôi kỳ vọng đồng Việt Nam sẽ biến động không quá 4% trong năm 2016 trong điều kiện thị trường tài chính thế giới không có biến động mạnh so với thời điểm hiện nay”, vị lãnh đạo ngân hàng này cho hay.