Sau nhiều sự cố, một số cho rằng cần tránh hoàn toàn các chuyến đi mùa mưa bão, số khác phản biện đây là “chuyện không may”, tuân thủ biện pháp an toàn là được.
Nguyễn Trần Hiếu, 28 tuổi sống tại TP HCM, cho biết đã có những trải nghiệm “nhớ đời” khi đi phượt hơn 2.000 km trong 16 ngày tại vùng núi phía bắc vào đúng đợt mưa bão hồi tháng 9. Do số ngày nghỉ phép có hạn, Hiếu bất đắc dĩ phải chọn du lịch vào cuối mùa mưa. Lịch trình của Hiếu tại Cao Bằng bị xáo trộn nhiều từ lúc gặp sạt trên đường từ huyện Mèo Vạc đến Cao Bằng, qua đoạn đèo Khau Cốc Trà. Hiếu phải chuyển hướng đi đường khác, đoạn đường bình thường mất khoảng 5 tiếng di chuyển đã tăng lên 9 tiếng.
“Một số đoạn đường từ TP Hà Giang đến thị trấn Đồng Văn cũng sạt lở, đến Hà Nội thì đúng ngày bão Yagi đổ bộ”, Hiếu kể.
Nam du khách cảm thấy may mắn khi không gặp nguy hiểm dọc đường nhưng rút ra nhiều kinh nghiệm an toàn sau chuyến phượt và “không muốn có thêm chuyến đi nào nữa” vào mùa mưa bão.
Nhiều khách thậm chí đối mặt tử thần như trường hợp của nhóm du khách bị sóng cuốn khi chèo SUP ở Phú Quý lúc biển động hôm 26/10. Các vụ việc gặp nạn, bị lạc ở các điểm du lịch ba tháng qua làm dấy lên tranh luận về việc đi du lịch trong điều kiện thời tiết xấu.
Trong bài viết “Tìm thấy nữ du khách bị sóng đánh trôi hơn 12 giờ ở Phú Quý” đăng trên VnExpress ngày 27/10, tài khoản phamduckhoi2013 bình luận: “Vừa đáng thương, vừa đáng trách, gió to, sóng lớn do bão như thế mà còn ra biển thì tôi xin thua”. Một độc giả khác phản biện rằng du khách còn trẻ tuổi, thích khám phá, nên thông cảm và nên tuyên truyền các biện pháp đảm bảo an toàn thay vì chỉ trích. Tài khoản Devon Melfice cho rằng nữ du khách sống sót đã gặp may khi mang theo phao, tuân thủ quy định chèo SUP mà nhiều du khách biết bơi thường chủ quan bỏ qua.
“Đi chơi cũng có dịp không may trúng ngày mưa bão, mỗi người nên chủ động trang bị kiến thức du lịch an toàn, tuân theo chỉ dẫn và chủ động theo dõi thời tiết để chuyến đi không bị rủi ro”, anh Thành Trung, 29 tuổi sống tại TP HCM và thường xuyên đi trekking, nói.
Ông Ngô Tấn Lực, Phó chủ tịch huyện Phú Quý, Bình Thuận, cho biết chính quyền huyện đảo thường xuyên khuyến cáo du khách lưu ý thời tiết bất thường vào mùa mưa (tháng 5-11). Các cảnh báo nêu rõ du khách không nên thử các trải nghiệm mạo hiểm khi không có người hướng dẫn và cứu hộ trong lúc thời tiết xấu. Việc bỏ qua các cảnh báo dễ dẫn đến nguy hiểm tính mạng, chính quyền phải huy động lực lượng, tốn nhiều công sức tìm kiếm, cứu hộ.
“Chính quyền đã huy động 40 lượt tàu, thuyền và hơn 100 ngư dân, thợ lặn và cán bộ chiến sỹ tìm nạn nhân mất tích trong vụ chèo SUP bị sóng cuốn”, ông Lực nói.
Một hướng dẫn viên đảo Phú Quý cho hay thời tiết đảo tuần cuối tháng 10 vừa qua không thuận lợi cho các hoạt động du lịch trên biển, gió giật cấp 5-6, sóng cao 1,8 m -2 m. Hầu hết đơn vị khai thác du lịch trải nghiệm trên đảo dừng mọi hoạt động như lặn biển, chèo SUP và cảnh báo nguy hiểm cho du khách.”Chúng tôi khó kiểm soát các trường hợp khách du lịch tự túc mang SUP cá nhân ra chèo hoặc tự ý lặn biển trong điều kiện biển động”, nam hướng dẫn viên nói và cho hay sự việc du khách bị sóng cuốn vào cuối tháng 10 vừa rồi chưa từng có tiền lệ trên đảo.
Một số điểm du lịch khác cũng ghi nhận tình trạng du khách gặp nạn khi du lịch trong điều điện thời tiết xấu. Đại diện Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà cho hay trong ba tháng qua ghi nhận 10 du khách lạc đường ở núi Langbiang. Hầu hết khách đi lạc là do tìm hiểu thông tin khám phá núi Langbiang qua các diễn đàn, hội nhóm trên mạng xã hội, mạo hiểm leo núi khi chưa hiểu rõ về địa hình, thời tiết. Từ tháng 4 đến tháng 11, khu vực núi Langbiang vào mùa mưa, nắng đẹp buổi sáng nhưng mưa và sương mù dày vào buổi chiều, dễ khiến du khách mất phương hướng.
Công an huyện Lạc Dương, Lâm Đồng, cho hay trong ba tháng qua mỗi lần cứu hộ phải huy động lực lượng hơn 30 người, chia làm nhiều mũi men theo các lối mòn vào rừng để tìm kiếm khách đi lạc trong điều kiện trời mưa to, đường trơn trượt, địa hình hiểm trở.
Một số điểm du lịch đã có biện pháp ngăn chặn rủi ro bằng các cảnh báo, chính quyền dừng hoạt động du lịch ngay khi thời tiết chuyển xấu. Vườn quốc gia Bidoup-Núi Bà đã phối hợp cùng các cơ quan chức năng cắm các biển báo, bảng cấm tại những lối mòn dẫn vào rừng; tuần tra, sớm phát hiện và ngăn chặn các trường hợp du khách leo núi tự phát để đảm bảo an toàn.
Khu du lịch Langbiang hiện tạm dừng hoạt động đi bộ khám phá núi, ngưng tuyến đi bộ đường mòn khám phá đỉnh Langbiang do có một số vị trí sạt lở, cây bị ngã đổ gây nguy hiểm.
Tại Quảng Bình, do ảnh hưởng của bão Trà Mi, các tour thám hiểm hang động, thám hiểm rừng và các điểm vui chơi dưới nước, gần sông, suối tại khu vực Vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy dừng hoạt động từ ngày 29/10.
Thạc sĩ Mai Thuận Lợi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch bền vững, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM, cho biết mặc dù các điểm đến đã có những cảnh báo về địa hình hiểm trở và chưa được khai thác du lịch, một số nhóm du khách vẫn bỏ qua các biện pháp an toàn khi tham gia du lịch mạo hiểm. Điều này làm gia tăng nguy cơ đi lạc hoặc tai nạn.
Theo ông Lợi, các vụ khách đi lạc, tai nạn xảy ra thời gian qua có một điểm chung nổi bật là nhiều du khách tự đi và thiếu tuân thủ các quy định an toàn. Giải pháp duy nhất là du khách cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, có trách nhiệm với cộng đồng, và phải hết sức thận trọng khi tự khám phá những khu vực tự nhiên.
Ông Lợi cho rằng hoàn toàn có thể giảm tối đa nguy cơ đi lạc hoặc tai nạn trong các khu du lịch nếu các điểm du lịch thiết lập nội quy chi tiết, quy định rõ trách nhiệm của cả du khách lẫn ban quản lý. Với các khu vực có điều kiện đặc biệt nguy hiểm, việc hạn chế du khách tự ý khám phá là điều cần thiết.
“Dù du khách tự túc hay đi tour, việc có hướng dẫn viên chuyên nghiệp tại điểm đồng hành là bắt buộc, nhằm ngăn ngừa những rủi ro đáng tiếc”, ông Lợi nói.
Bích Phương – Tuấn Anh