“Trước thế nào, giờ vẫn vậy” – doanh nhân này cho biết.
Khác với những bàn tán ồn ào của các chuyên gia kinh tế vĩ mô, ngân hàng tài chính, khi được hỏi về cơ chế tỷ giá trung tâm mà Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra, khá nhiều doanh nghiệp lại tỏ ra khá bình thản.
Nhiệt điện Nhơn Trạch (NT2) có số dư gốc vay dài hạn bằng ngoại tệ tính đến cuối quý 3 năm 2015 là 134,86 triệu USD và 123,21 triệu Euro. Đại diện NT2 cho biết hiện công ty vẫn tiến hành trả nợ theo đúng kế hoạch đã vạch ra.
Tính đến thời điểm hiện tại, NT2 chưa từng trễ hẹn trả nợ gốc và lãi. Chính vì thế, với những biến động về tỷ giá cũng như cơ chế quản lý tỷ giá trung tâm mà NHNN vừa đưa ra, NT2 nhận thấy không tác động đáng kể đến kế hoạch kinh doanh cũng như trả nợ của công ty.
Cũng chung nhận định, đại diện Gỗ Trường Thành (TTF) – một trong những doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ nội thất hàng đầu hiện nay cũng cho rằng cơ chế quản lý tỷ giá mới chỉ ảnh hưởng mạnh tới những doanh nghiệp nhỏ, không trường vốn.
Đối với Gỗ Trường Thành, doanh nghiệp chuyên xuất khẩu, trừ khi có những biến động bất thường về tỷ giá, công ty vẫn tiến hành kinh doanh, xuất khẩu bình thường như trước đây, khi NHNN điều chỉnh tỷ giá theo từng đợt.
“Quan trọng là xu hướng biến động, không phải là cách quản lý tỷ giá” – ông Nguyễn Trung Kiên, Phó Tổng giám đốc Nafoods (NAF) cho biết. Đại diện Nafoods cho rằng, tỷ giá đang có xu hướng tăng, như cách đây một vài năm. Đó mới là điều quan trọng, và ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp xuất khẩu như Nafoods. Việc điều hành tỷ giá hiện nay trên thực tế vẫn chưa tuân theo cơ chế thả nổi hoàn toàn, vẫn chịu sự quản lý của NHNN – do vậy về bản chất chưa có những ảnh hưởng rõ rệt trong ngắn hạn tới các doanh nghiệp.
Đại diện Sợi Thế kỷ (STK) cũng cho rằng việc quản lý tỷ giá theo phương thức mới không ảnh hưởng nhiều tới doanh nghiệp vì Sợi Thế kỷ đã có dự toán từ đầu năm. STK có nguồn cung ngoại tệ từ việc xuất khẩu phục vụ cho quá trình nhập khẩu nguyên liệu.
Đại diện một doanh nghiệp chuyên nhập khẩu nguyên vật liệu – xin được giấu tên – cho biết, điều làm ông lo lắng là xu hướng tăng giá của đồng Đô la, chứ không phải việc tỷ giá biến động hàng ngày. Tuy nhiên, lo lắng của công ty này là bởi lẽ, sản phẩm của công ty được bán trong nước, thu nội tệ.
Với các doanh nghiệp nhập khẩu khác, lo lắng trên sẽ được hóa giải nếu sản phẩm được xuất khẩu – cân đối dòng tiền bằng ngoại tệ. Khi được hỏi về kế hoạch kinh doanh, “đối phó” với cơ chế tỷ giá mới, đại diện doanh nghiệp này cho rằng doanh nghiệp vẫn luôn tìm cách tối đa hóa năng suất, bù đắp cho xu hướng tăng giá của đồng Đô la. “Trước thế nào, giờ vẫn vậy” – doanh nhân này cho biết.
Cũng khẳng định như vậy, ông Dương Ngọc Minh – Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương (HVG) cho biết công ty có thế mạnh cân đối cung cầu ngoại tệ xuất và nhập khẩu – nên trong trường hợp tỷ giá biến động hàng ngày, công ty vẫn điều tiết được. Ông Minh cũng khẳng định ‘tỷ giá tăng thì lợi càng cao” đối với Hùng Vương.
Sự “bình thản” của các doanh nghiệp- theo nhận định của một số chuyên gia- không hẳn là vì tỷ giá không tác động đến hoạt động kinh doanh của họ mà là vì thời điểm này giao mùa giữa cuối năm, đầu năm, đơn hàng chưa phải ồ ạt và hiện chưa “ngấm” vào hoạt động kinh doanh của họ. Cơ chế tỷ giá mới- với những diễn biến như hiện tại- chưa thực sự thể hiện rõ ảnh hưởng tích cực hay tiêu cực đối với từng doanh nghiệp.