Sau ngày tăng “nóng” hôm qua, tỷ giá của các ngân hàng sáng nay 16/12 đã ổn định trở lại. Các chuyên gia cho rằng, lý do khiến cho giá USD đi lên chủ yếu bởi áp lực tâm lý.
Sáng nay, ngân hàng Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức 22.517 – 22.547 đồng, giảm 30 đồng mua vào và giữ nguyên giá bán ra như cùng thời điểm ngày hôm qua.
Ngày 15/12, Vietcombank là ngân hàng duy nhất đẩy giá mua vào lẫn chuyển khoản lên ngang giá bán ra, cũng là mức cao kịch trần NHNN cho phép. Theo một cán bộ của nhà băng này, việc nâng giá mua vào lên ngang giá bán ra không phải vì ngân hàng “cố tranh mua” với các ngân hàng khác như thị trường nhìn nhận, mà chỉ với lý do tốt cho khách hàng?!
Đến buổi chiều, giá mua của Vietcombank hạ nhiệt về 22.517 đồng, thấp hơn mức niêm yết trước đó 30 đồng song vẫn cao hơn gần 60 đồng so với phiên liền trước.
Tại BIDV sáng nay, tỷ giá niêm yết ở mức 22.517 – 22.547 đồng, tương đương của Vietcombank và cũng không đổi so với ngày hôm qua. VietinBank trong khi đó niêm yết tỷ giá tại 22.515 – 22.547 đồng, tăng 8 đồng giá mua và giữ nguyên giá bán như cuối giờ chiều hôm qua.
Ngân hàng Sacombank cũng giữ tỷ giá ngang ngày hôm qua ở 22.480 – 22.547 đồng. Tỷ giá của Eximbank lúc này là 22.497 – 22.547 đồng, giảm 3 đồng giá mua và giữ nguyên giá bán.
TS. Bùi Quang Tín, giảng viên Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh nhận xét, lý do khiến diễn biến của giá USD trong ngân hàng và ngoài thị trường tự do mấy ngày qua “nóng”, ngoài việc nhu cầu USD của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thường tăng cao hơn vào dịp cuối năm, thì chủ yếu là do thị trường phản ứng trước với dự kiến tăng lãi suất của Fed trong cuộc họp tuần này và khả năng Trung Quốc tiếp tục phá giá Nhân dân tệ sau khi đồng tiền này được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế. Không loại trừ có tình trạng đầu cơ trước dự đoán NHNN sẽ tiếp tục tăng tỷ giá để đối phó với 2 sự kiện trên, từ đó dẫn đến tâm lý đầu cơ và găm giữ ngoại tệ.
TS. Phan Minh Ngọc thì cho rằng, những tâm lý của thị trường hiện nay không chỉ xuất hiện ở Việt Nam mà còn ở các nước khác trong cùng hoàn cảnh. Và chính những tâm lý này gây áp lực đến việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN.
Ở thời điểm hiện tại, khi chỉ còn có 2 tuần nữa là kết thúc năm 2015, hầu hết các chuyên gia dự báo NHNN sẽ cố gắng duy trì tỷ giá ổn định. TS. Bùi Quang Tín khuyến nghị rằng, NHNN không nên phá giá tiền đồng dù có áp lực, mà thay vào đó nên chọn chính sách điều chỉnh lãi suất VNĐ thêm 0,25% đến 1%. TS. Trương Văn Phước đến từ UBGSTCQG cũng nhận định, thời điểm này NHNN sẽ không điều chỉnh tỷ giá và rằng áp lực tâm lý về khả năng Fed nâng lãi suất đã có từ mấy tháng trước, NHNN đã lường trước tình hình, chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.
Nhưng diễn biến năm 2016 thì rất khó lường. Hầu hết các dự báo của chuyên gia, công ty chứng khoán, ngân hàng nước ngoài rằng tỷ giá sẽ chịu áp lực tăng từ 2-5% trong cả năm tới, và lần điều chỉnh đầu tiên sẽ từ đầu năm, bên cạnh đó lãi suất cũng có thể tăng lên.