Trong báo cáo mới công bố, Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng liên tục với tốc độ khá nhanh, từ mức 51,7% năm 2010 lên mức 59,6% năm 2014 và ước tính sẽ đạt mức 64,3% trong năm 2017 (áp sát mức trần 65% mà Quốc hội cho phép).
Đặc biệt giai đoạn 2013-2014, việc phát hành khối lượng lớn trái phiếu Chính phủ đã khiến nợ công tăng mạnh. Bên cạnh đó, điểm cần lưu ý là tỉ lệ này được tính trên GDP danh nghĩa, do vậy trong những năm có lạm phát cao (giai đoạn trước 2012), GDP danh nghĩa tăng nhanh là một yếu tố giúp cho tỉ lệ nợ công/GDP ở mức thấp tương đối.
Tuy nhiên trong 3 năm trở lại đây, bên cạnh nguyên nhân chính xuất phát từ việc gia tăng phát hành trái phiếu chính phủ, GDP danh nghĩa tăng chậm lại cũng là một yếu tố khiến tỉ lệ nợ công có xu hướng tăng tốc.
Do vậy, BVSC đưa ra 5 nhóm giải pháp cho vấn đề bội công và giảm bội chi ngân sách của Việt Nam trong thời gian tới bao gồm:
Thứ nhất, ưu tiên các giải pháp về chất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong những năm tới, các giải pháp về chất – bao gồm việc tạo lộ trình gia nhập vào các FTA, cải thiện môi trường kinh doanh, chuyển dịch mô hình tăng trưởng, khuyến khích khu vực tư nhân, tăng năng suất lao động… nên được tập trung nhiều hơn để tạo động lực cho nền kinh tế.
Việt Nam đã sử dụng khá nhiều công cụ chính sách tài khóa và tiền tệ trong những năm vừa qua để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các giải pháp về lượng này cho thấy sự thiếu bền vững và đã gây ra khá nhiều phản ứng phụ cho nền kinh tế, gây áp lực gia tăng nợ công mạnh trong mấy năm gần đây.
Nếu quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển dịch mô hình tăng trưởng được thực hiện thành công với vai trò tham gia lớn hơn của khu vực kinh tế tư nhân và khu vực FDI, với kỳ vọng vào hiệu ứng từ TPP, Việt Nam hoàn toàn có thể quay lại quỹ đạo tăng trưởng 7%/năm trong những năm tới đây.
Đây sẽ là nền tảng quan trọng giúp tăng cường các nguồn thu thường xuyên của NSNN với đóng góp chủ yếu từ thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân. Đây cũng là định hướng mang tính bền vững trong dài hạn và nên được ưu tiên nhất trong các giải pháp nhằm giải quyết vấn đề bội chi ngân sách.
Thứ hai, tiếp tục cơ cấu các nguồn thu thường xuyên. Theo BVSC, sẽ không hợp lý nếu Chính phủ tiếp tục tìm các biện pháp gia tăng tỷ lệ thu ngân sách trên GDP.
Hiện Việt Nam có tỷ lệ về thu ngân sách trên GDP lớn hơn khá nhiều so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ thu NSNN/GDP trung bình là 23% cho giai đoạn 2013-2014; trong khi tỷ lệ này của Malaysia là 20,4%; Thái Lan 18%; và Indonesia 18,9%.
Việc cơ cấu lại các nguồn thu thường xuyên, đặc biệt là chính sách thuế, theo hướng hợp lý và bền vững hơn nên là mục tiêu cần tập trung của Chính phủ. Tiếp tục điều chỉnh giảm dần tỷ trọng của một số khoản thu thường xuyên ko bền vững và ko phải mục tiêu chính (dầu thô, thuế XNK) trong khi tăng dần tỷ trọng của các khoản thu chính khác, mang tính bền vững hơn (thuế GTGT và thuế TNCN).
Bên cạnh đó, Chính phủ cần làm tốt hơn nữa trong việc điều chỉnh chính sách thuế cho phù hợp đối với từng đối tượng, đặc biệt là thuế TNDN để hỗ trợ cho các ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Chính sách ưu đãi quá nhiều cho các doanh nghiệp FDI trong những năm vừa qua, đã và đang tạo ra một sân chơi “không công bằng” đối với khối doanh nghiệp trong nước, cũng cần được điều chỉnh lại cho phù hợp.
Thứ ba, tiết giảm và tăng hiệu quả chi ngân sách. Việc tăng chi ngân sách quá mức và thiếu chế tài đánh giá, giám sát hiệu quả chi ngân sách là nguyên nhân chính của vấn đề bội chi ngân sách những năm qua.
Tương tự như thu ngân sách, tỷ lệ chi ngân sách trên GDP của Việt Nam lớn hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Tỷ lệ chi NSNN/GDP trung bình của Việt Nam là 27,2% cho giai đoạn 2013-2014; trong khi tỷ lệ này của Malaysia là 24%; Thái Lan 20% và Indonesia 21,5%.
Điều này cho thấy nguyên nhân của bội chi ngân sách trong những năm qua phần nhiều xuất phát từ các khoản chi hơn là các khoản thu. Tái cơ cấu lại các khoản nợ và tạo lực cầu mới cho kênh trái phiếu để giảm chi phí lãi vay. Việc tăng mạnh khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trong những năm gần đây, đặc biệt là các kỳ hạn ngắn, đang tạo thêm nhiều áp lực cho nghĩa vụ trả lãi hàng năm.
Thứ tư, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa DNNN và giảm bớt tỷ trọng sở hữu nhà nước. Bối cảnh hiện nay cho thấy việc tài trợ thâm hụt NSNN thông qua bán tài sản thuộc sở hữu nhà nước đang nổi lên là một nguồn tiềm năng nếu như Chính phủ muốn giảm áp lực trong ngắn hạn và cơ cấu lại nợ công trong trung hạn.
Việc thoái vốn này có thể thực hiện bằng cách đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch. Định hướng này không chỉ giúp Chính phủ có nguồn tiền để cơ cấu lại nợ công mà còn giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu DNNN vốn đang gặp nhiều vấn đề về hiệu quả kinh doanh.
Thứ năm, tăng cường minh bạch hóa thông tin và tuân thủ chặt chẽ kế hoạch quản lý ngân sách. Tăng cường mức độ chi tiết trong hoạt động thống kê, công bố thông tin về nợ công theo từng cấu thành và tính cập nhật theo từng quý là yêu cầu cần đạt được.