Tại “Diễn đàn CFO Việt Nam 2015” do câu lạc bộ Giám đốc tài chính Việt Nam (VCFO) tổ chức tại TP.HCM chiều ngày 24/11, các diễn giả cho rằng, vấn đề quan trọng và rất khó khăn trong hoạt động doanh nghiệp trong hội nhập toàn cầu là quản trị tài chính trong bối cảnh tiền tệ hiện nay.
Từ đầu năm 2015 đến nay, số lượng doanh nghiệp thành lập mới khoảng 68.000 doanh nghiệp, trong khi đó số lượng doanh nghiệp giải thể cũng lên tới 48.000 doanh nghiệp. Trong số, 48.000 giải thể có đến 94% là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do vậy, theo TS.Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội nhà Quản trị doanh nghiệp, doanh nghiệp không thể thực hành quản trị theo lối cũ mà phải quản trị bài bản hơn. Trong đó, việc sử dụng các công cụ phòng ngừa rủi ro tài chính rất quan trọng để bảo vệ doanh nghiệp trước các cơn “sóng thần tỷ giá” có thể xuất hiện bất cứ lúc nào.
Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu tài chính quốc tế Chatham, năm 2012, trong số 1075 công ty thì có đến 76% gặp phải rủi ro giao dịch ngoại hối, nhưng chỉ 48% trong số đó có sử dụng nghiệp vụ phòng vệ qua các công vụ tài chính. Chính vì thế doanh nghiệp đã phải chịu thiệt hại nặng nề khi những “cơn sóng tỷ giá” xuất hiện.
Trong bối cảnh Việt Nam đã gia nhập Hiệp định đối tác chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì quản trị tài chính là vấn đề không chỉ ở trong một quốc gia mà là đa quốc gia.
Đơn cử như cơn sóng thần phá giá đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc trong tháng 8/2015 vừa qua đã khiến các nước có giao thương với Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi cũng phải phá giá đồng nội tệ của mình.
Việt Nam là một trường hợp minh chứng rõ nhất. Đầu năm 2015, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cam kết không phá giá VND quá 2%. Tuy nhiên, sau cơn chấn động tỷ giá đồng NDT của Trung Quốc khiến VND cũng phải giảm giá theo. Như vậy, từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá 5%.
Do vậy, điều các doanh nghiệp quan tâm không kém hiện nay là chính sách tiền tệ của Trung Quốc trong năm 2016.
Theo quan sát của bà Josephine Yei, Tổng giám đốc CTCK Saigonbank Berjaya, Trung Quốc đang gặp vấn đề về bong bóng bất động sản, trong khi đó nước này cũng rất muốn phát triển thị trường chứng khoán mạnh mẽ để việc bán cổ phần của các doanh nghiệp Nhà nước được giá cao.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc đang hút các dòng tiền nóng khi các nhà đầu tư muốn tiền tươi và kiếm lời nhanh. Các dòng tiền nóng rất nguy hiểm vì nó đến nhanh và rút ra cũng nhanh không kém. Nếu Trung Quốc không có dự trữ ngoại hối mạnh có thể gây sụp đổ nền kinh tế.
Do vậy, Trung Quốc đã dùng chính sách tiền tệ để bảo vệ nền kinh tế trong nước như phá giá đồng CNY trong tháng 8/2015. Tuy nhiên, dự báo Trung Quốc sẽ không phá giá CNY nhiều như năm 2015 vừa qua, vì điều này đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế lân cận và cả những nước lớn ở khu vực Châu Âu.
Trung Quốc trong mấy chục năm về trước đã tăng trưởng GDP rất nhanh nhưng cũng mang tính cơ cấu rất lớn và chính sách tăng trưởng kinh tế đang được điều chỉnh lại.
Nhận định về tỷ giá CNY trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, chính sách tiền tệ của Trung Quốc rất phức tạp. Lãi suất ảnh hưởng rất nhiều đến tốc độ tăng trưởng GDP. Do vậy, chính sách tiền tệ của Trung Quốc bị định hướng bởi tốc độ tăng GDP. Năm 2015, ước tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,9%, có thể xuống mức 6,5% hoặc 6% vào các năm sau, nên Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và tỷ giá CNY sẽ có biến động.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho Việt Nam và Economist Intelligence Unit cho các nước khác – Nguyễn Xuân Thành
Do vậy, các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với rủi ro tỷ giá. Hiện nhiều doanh nghiệp Việt chưa biết hết các công vụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá nào được thực hiện ở Việt Nam.
Theo bà Josephine Yei, Tổng giám đốc CTCK Saigonbank Berjaya, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các ngân hàng thương mại Việt Nam ngoài nghiệp vụ future (tương lai) thì chỉ được thực hiện nghiệp vụ forward (kỳ hạn) kỳ hạn 3-6 tháng, riêng ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện đến 12 tháng. Trường hợp ngân hàng Việt được thực hiện forward 12 tháng là khách hàng đó đã có khoản vay với ngân hàng trước đó rồi. Hiện Ngân hàng Nhà nước đã mở hơn để các ngân hàng thường mại trong nước có thể thực hiện nghiệp vụ option (quyền chọn).