Việc điều chỉnh tăng 1% và với biên độ +/-3%, tỷ giá đồng Việt Nam có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường quốc tế và trong nước đến cuối năm và cả những tháng đầu năm 2016.
Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCEIF) cũng nhận định rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong biên độ cho phép.
Có thể thấy, sự điều chỉnh linh hoạt tỷ giá theo hướng sát với sự điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ đã giúp điều chỉnh sức cạnh tranh về giá trên thị trường xuất khẩu của Việt Nam, giảm bớt dòng nhập siêu các hàng giá rẻ từ Trung Quốc.
Áp lực lên tỷ giá không quá nặng nề
Đồng thời, việc chủ động công bố định hướng và khống chế biên độ tỷ giá là cơ sở hạn chế rủi ro về chính sách và giảm thiểu chi phí phát sinh gắn với biến động tỷ giá, giúp các doanh nghiệp an tâm và ổn định trong giao dịch, thanh toán.
Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ có thêm động lực để mạnh dạn tái cơ cấu, đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, kinh doanh; giúp giảm thiểu tình trạng chênh lệch tỷ giá chính thức với giá trên thị trường tự do, tăng dự trữ ngoại hối, tăng thu hút FDI, củng cố niềm tin vào giá trị đồng tiền quốc gia.
Ngoài tỷ giá, việc sử dụng khá linh hoạt, quyết đoán và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác như giảm lãi suất, cải thiện điều kiện vay… còn góp phần giúp thị trường tài chính – tiền tệ “lặng sóng”. Theo đó, các ngân hàng huy động được tiền, từng bước giảm lãi suất.
Các doanh nghiệp cũng tiếp cận được với nguồn vốn giá rẻ và bảo toàn được giá trị tiền gửi của người gửi tiền, cải thiện niềm tin của giới đầu tư vào môi trường kinh doanh Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc điều chỉnh tỷ giá VND sẽ ảnh hưởng đến dịch vụ nợ vì 80% các khoản vay của Việt Nam là bằng USD. Theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khi tỷ giá tăng 1%, dịch vụ nợ của Việt Nam sẽ tăng trên 10.000 tỷ đồng.
Việc điều chỉnh tỷ giá cũng có thể khiến tăng áp lực giá vàng trong nước cũng như làm tăng giãn cách giá vàng trong nước với giá thế giới nếu thiếu nguồn vàng nhập bổ sung mới. Ngoài ra, nó cũng có thể làm tăng áp lực lạm phát, giảm thu nhập thực tế của người dân.
Các kịch bản của tỷ giá
NCEIF cho rằng đến thời điểm này có thể yên tâm hơn vì Ngân hàng Nhà nước sẽ điều hành linh hoạt theo diễn biến thị trường, tức là đúng theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và áp lực lên tỷ giá thời gian tới, dù có, cũng không còn quá nặng nề. Theo đó, có bốn kịch bản sẽ tác động lên tỷ giá:
Một là, Trung Quốc thôi không phá giá và FED chưa vội nâng lãi suất; hai là, Trung Quốc không phá giá nội tệ nhưng FED nâng lãi suất; ba là, Trung Quốc phá giá nhưng FED giữ lãi suất; và bốn là, Trung Quốc “nuốt lời” như họ đã từng làm trong 2 lần phá giá Nhân dân tệ trước đây và FED nâng lãi suất ngay trong tháng 9.
Theo phân tích của NCEIF, trong 3 trường hợp đầu tiên, áp lực lên Việt Nam là chắc chắn, nhưng kịch bản thứ tư là xấu nhất. Nếu kịch bản này xảy ra, lúc đó, dù muốn hay không thì nhiều nước sẽ bị cuốn vào một cuộc đua, chủ động và bị động, phá giá nội tệ mà thực chất là chiến tranh tiền tệ.
Khi đó, Việt Nam chỉ là một nền kinh tế quá nhỏ, quá yếu ớt để có thể “bình yên” và đứng vững giữa cơn lốc phá giá của các nước xung quanh và trên thế giới. Do đó, NCIF xem xét một số tác động sau:
Trường hợp Trung Quốc không phá giá nhưng FED nâng lãi suất, so với kịch bản không có cú sốc, GDP kinh tế thế giới nói chung giảm 0,01% trong quý IV/2015 và giảm đi 0,044% năm 2016.
Xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam giảm với các mức tương ứng là 0,04 và 0,11% trong quý IV/ 2015 và 0,13 và 0,1% năm 2016, giá tiền đồng giảm 0,96% trong quý IV/2015.
Mặc dù xuất khẩu nói chung của Việt Nam vào Mỹ giảm nhưng do Mỹ là thị trường chủ lực và xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ chủ yếu là nhóm hàng tiêu dùng và thiết yếu nên Mỹ vẫn phải nhập.
Khi giá USD tăng thì kim ngạch xuất khẩu theo giá trị của Việt Nam sẽ tăng, khiến GDP của việt Nam tăng thêm 0,07% vào quý IV/2015 và 0,6% trong năm 2016.
Trường hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nới rộng biên độ tỷ giá lên ±3% kể từ quý III/2015 và điều chỉnh tăng tỷ giá VNĐ/USD thêm 1%, kết quả tính toán cho thấy, so với kịch bản không có can thiệp điều chỉnh tỷ giá, việc giảm giá tiền đồng không có tác động nhiều đến xuất khẩu (gần như không thay đổi trong quý IV/2015, tăng thêm 0,17% trong năm 2016).
Nguyên nhân là do cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam chủ yếu là cho tiêu dùng tư nhân trong nước và tích lũy vốn, phần nhập khẩu để sản xuất ra hàng xuất khẩu chỉ chiếm tỷ trọng 28,5%.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam giảm đi 0,06% trong quý IV/2015 sau đó tăng lên 0,048% trong năm 2016. Trong trường hợp này lạm phát của Việt Nam tăng thêm 58% trong quý IV/2015 và 30% trong năm 2016.