Ông Trần Hoàng Sơn- Giám đốc chiến lược thị trường MBS cho rằng khối ngoại vẫn là yếu tố tiềm ẩn rủi ro với thị trường lúc này và nhiều khả năng VnIndex sẽ có nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Sau khi tạo đỉnh vào cuối tháng 7, TTCK Việt Nam đã bất ngờ điều chỉnh sâu và khiến chỉ số VnIndex có thời điểm rơi xuống vùng 510 điểm, tương ứng mức giảm 20% chỉ trong chưa đầy một tháng.
Vùng 510 điểm của VnIndex tương ứng đáy của sự kiện Biển Đông và mức giảm quá mạnh chỉ trong thời gian ngắn là điều mà không nhiều nhà đầu tư có thể tưởng tượng ra trước đó.
Những thông tin từ hiệp định TPP chưa được ký kết, Trung Quốc phá giá đồng NDT hay thậm chí là… tâm lý tháng 7 âm lịch diễn ra đồng thời được cho là nguyên nhân khiến thị trường diễn ra không mấy tích cực trong thời gian gần đây.
Tuy vậy, trong những phiên giao dịch cuối tuần qua, VnIndex đã có sự hồi phục tăng điểm cùng với xu hướng chung của các chỉ số chứng khoán trong khu vực như ShangHai Composite, Nikkei 225, Hangsheng Index….
Kết tuần giao dịch, VnIndex lấy lại mốc 570 điểm, hàng loạt nhóm cổ phiếu điều chỉnh sâu trong thời gian trước như ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, dầu khí….đã hồi phục mạnh trở lại và là động lực cho thị trường tăng điểm.
Có thể nói, tuần giao dịch vừa qua đã mang đến cho nhà đầu tư đủ mọi cung bậc cảm xúc, từ bi quan vào phiên đầu tuần đến những hưng phấn tột cùng vào phiên giao dịch cuối tuần.
Yếu tố khối ngoại vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Một trong những yếu tố ảnh hưởng tới xu thế của thị trường là hoạt động mua bán của khối ngoại. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 20% giá trị giao dịch nhưng khối ngoại luôn tạo ra ảnh hưởng lớn tới thị trường chung.
Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần, khối ngoại đã quay trở lại mua ròng 132 tỷ đồng sau giai đoạn liên tiếp bán ròng trước đó. Dù giá trị mua ròng không quá lớn nhưng điều này đã góp phần tạo nên tâm lý tích cực cho thị trường.
Đánh giá về việc mua ròng trở lại của khối ngoại, ông Trần Hoàng Sơn, giám đốc chiến lược thị trường- CTCK MBS cho rằng: ”Mặc dù khối ngoại đã mua ròng trở lại nhưng nhìn chung xu thế bán ròng vẫn đang chiếm chủ đạo và đó vẫn là yếu tố có thể ảnh hưởng tới thị trường trong thời gian tới”.
Ông Sơn cho biết dòng vốn ngoại đang có xu hướng rút khỏi các thị trường mới nổi và đây là mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 khi ngân hàng Lehman Brothers sụp đổ đến nay.
Mặc dù Việt Nam chưa thuộc nhóm mới nổi nhưng những tác động này vẫn đang ảnh hưởng khá lớn tới TTCK Việt Nam.
Ngoài ra, việc kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt có thể khiến FED đưa ra quyết định nâng lãi suất bất cứ lúc nào và điều này sẽ ảnh hưởng tới TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Với những yếu tố trên, ông Sơn cho rằng những động thái của khối ngoại sẽ có ảnh hưởng mạnh tới thị trường lúc này và nhà đầu tư cần quan sát diễn biến để đưa ra quyết định hợp lý.
VnIndex sẽ xuất hiện “rung lắc” tại vùng 580 điểm?
Tính từ mức đáy 511 điểm trong ngày 25/8, chỉ số VnIndex hiện đã tăng 60 điểm, tương ứng 11,7% chỉ trong vài phiên giao dịch.
Nhận xét về diễn biến giao dịch tuần qua, ông Sơn cho rằng: “Thị trường vẫn đang ở xu hướng tích cực khi thanh khoản duy trì tốt, dòng tiền đã có dấu hiệu trở lại. Áp lực chốt lời T+ trong những phiên cuối tuần diễn ra khá mạnh nhưng lực cầu tư nhà đầu tư trong nước cùng khối ngoại đã hỗ trợ tốt giúp VnIndex đạt mốc 570 điểm”.
Tuy vậy, trong ngắn hạn ông Sơn nhận định khi VnIndex chạm vùng 575- 580 điểm, áp lực bán sẽ gia tăng mạnh và nhiều khả năng nhịp điều chỉnh sẽ xuất hiện.
“Sau nhịp tăng theo đồ thị chữ V thì nhịp điều chỉnh là hết sức cần thiết. Nếu đợt điều chỉnh tiếp theo VnIndex tạo đáy cao hơn vùng đáy cũ 510 điểm thì sẽ là yếu tố tích cực cho thị trường”.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh yếu tố thanh khoản sẽ mang tính chất quyết định cho xu hướng sắp tới của thị trường. Nếu dòng tiền còn ở mức cao thì đó là tín hiệu tích cực, ngược lại khi thanh khoản sụt giảm thì nhà đầu tư cần phải thận trọng trước xu hướng thị trường.