[Chart of the day] Sức ép phá giá tiền Đồng còn lớn

Bản tin về thị trường nợ Châu Á của ADB hôm nay (24/8) đã cập nhật về biến động tỷ giá của khu vực so với USD. Từ đầu năm tới nay, VNĐ chỉ giảm khoảng 5% trong khi các nước trong khu vực đã phá giá trên 10%…

Thị trường tiền tệ Châu Á vừa trải qua một giai đoạn sóng gió sau khi Trung Quốc mạnh tay phá giá đồng Nhân dân tệ hôm 11/8. Lo ngại những tác động tiêu cực đến xuất khẩu của quốc gia, nhiều nước trong khu vực phản ứng bằng việc tiếp tục để đồng nội tệ giảm giá so với USD. Điều này  làm trầm trọng hơn xu hướng phá giá đã hình thành trước đó trong khu vực.

Bản tin về thị trường nợ Châu Á của ADB hôm nay đã cập nhật về biến động tỷ giá của khu vực so với USD. Indonesia nổi bật với mức độ mất giá đông Rupiah khoảng 35% so với USD từ đầu năm 2012 tới nay.

Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan đồng loạt giảm giá so với USD mạnh hơn từ đầu năm 2015. Trong đó, đồng Ringgit của Malaysia mất giá hơn 20% chỉ trong chưa đầy 12 tháng qua.

 

Biến động tỷ giá đồng tiền một số nước Châu Á với USD, 2/1/2007 = 100

( Nguồn: ADB Asian Bonds Online, Bloomberg)

 

Tiền đồng của Việt Nam là nhân tố “ổn định” nhất so với USD trong biểu đồ này kể từ lần phá giá đầu năm 2011. Mặc dù vậy nếu tính từ thời điểm khủng hoảng tài chính toàn cầu (2008), VND vẫn mất giá mạnh so với USD (gần 30%), chỉ thấp hơn đồng Rupiah của Indonesia.

Sau lần tăng tỷ giá VND/USD thêm 1% và nới rộng biện độ lên +/-3% mới đây của Ngân hàng Nhà Nước, Việt Nam đồng đã giảm khoảng 5% tính từ đầu năm. Trong khi đó, nhiều nước trong ASEAN đã phá giá trên 10% đồng nội tệ.

Việc các nước lân cận phá giá mạnh trong khi Việt Nam mới chỉ thực hiện các điều chỉnh nhẹ, sẽ khiến cho tiền Đồng chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên Việt Nam có thể sử dụng nhiều công cụ khác để ổn định tỷ giá, trước khi lựa chọn giải pháp phá giá đồng tiền thêm một lần nữa trong những tháng còn lại của năm 2015.

 

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin