Những năm gần đây, chạy bộ đã trở nên cực kỳ phổ biến ở nước ta. Thậm chí, môn thể thao này còn trở thành trào lưu với sự tham gia của đa dạng lứa tuổi, đủ mọi ngành nghề khác nhau.
Số gần đây nhất của chương trình 361 độ Khỏe – Đẹp được phát sóng trên VTV9 với chủ đề: “Chạy bộ – Trào lưu hay hành xác” đã nhận được rất nhiều sự quan tâm. Không chỉ bởi chọn đề tài có sức hút mà còn chỉ ra những lỗi sai khi chạy bộ gây phản tác dụng nhưng rất nhiều người mắc phải.
Tại sao chạy bộ ngày càng phổ biến?
Chương trình có sự xuất hiện của bác sĩ CKII Nguyễn Trọng Anh – Phó chủ tịch Hội Y học thể thao TP HCM với vai trò chuyên gia. Ông đã từng được đào tạo bài bản nhiều năm tại Hoa Kỳ, với nhiều kinh nghiệm trong ngành cơ xương khớp, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình và y học thể thao. Ở ghế khách mời là nam ca sĩ Đức Tuấn, nghệ sĩ từng đoạt giải Mai Vàng 2014, giải thưởng Âm nhạc cống hiến năm 2010 nhưng cũng rất mê chạy bộ.
Theo thông tin tổng hợp từ chương trình, chỉ riêng 4 tháng đầu năm 2023 đã có hơn 60 cuộc thi chạy bộ với quy mô lớn, nhỏ khác nhau được tổ chức. Sở dĩ, chạy bộ được nhiều người chọn tập luyện bởi tính tiện dụng, đơn giản, dễ tập mà không cần dụng cụ hỗ trợ. Nó cũng rất linh hoạt trong việc điều chỉnh thời gian và phù hợp với nhiều đối tượng, nhiều lứa tuổi khác nhau.
Có người đến với chạy bộ vì muốn tăng sức bền, tăng cường miễn dịch và khỏe mạnh hơn. Có người lại lựa chọn đây là một phương pháp để giảm cân, cải thiện vóc dáng, xả stress. Có nhiều trường hợp chạy bộ vì đam mê, yêu thích vận động nhưng cũng không hiếm người chạy bộ vì trào lưu hoặc bị rủ rê, lôi kéo. Lại cũng có những người chạy bộ vì từ thiện, vì hoạt động cộng đồng hoặc thậm chí là vì phải tham gia hoạt động của cơ quan/tập thể… đang sinh sống hay học tập/làm việc.
Tuy nhiên, vì mục đích gì thì chúng ta cũng không thể phủ nhận những lợi ích tuyệt vời mà môn thể thao này mang lại cho sức khỏe. Bác sĩ Nguyễn Trọng Anh cho biết: “chạy bộ giúp tăng cường sức khỏe cho cơ bắp và xương khớp, rèn luyện sức bền, giảm đau cơ khớp. Những người chạy bộ sẽ có khả năng miễn dịch tốt hơn và chống lại các bệnh liên quan tới virus, vi trùng… rất cao. Môn chạy bộ giúp tiết ra nội tiết làm tăng hưng phấn, giúp giảm stress và tinh thần lạc quan hơn”.
Ngoài ra, cảm giác chinh phục được các đích đến, các mục tiêu trong chạy bộ hay sự kết nối với cộng đồng cùng chung sở thích cũng dễ khiến người ta “nghiện” chạy bộ hơn.
Về phần ca sĩ Đức Tuấn, không ít khán giả phải bất ngờ khi biết anh cũng là một runner (người chạy bộ) có tiếng trong “giới chạy bộ”. Đặc biệt là khi bản thân anh chia sẻ rằng mình đến với chạy bộ vì bị rủ rê chứ không chủ động tìm hiểu. Nhưng rồi môn thể thao này trở thành niềm đam mê của anh trong suốt 3 năm qua và sẽ tiếp tục trong thời gian sắp tới. Ngoài việc tăng cường sức khỏe thể chất thì điểm khiến nam ca sĩ “nghiện” ở chạy bộ là nó giúp anh rèn luyện sự tập trung, kiên trì, lạc quan và được sinh hoạt trong một cộng đồng tích cực.
Có thật là chạy bộ sai cách vẫn to chân, béo bụng?
Chương trình 361 độ Khỏe – Đẹp được phát sóng vào 20h thứ tư hàng tuần trên VTV9. Điểm được nhiều khán giả quan tâm và bàn luận sôi nổi nhất trong số “Chạy bộ – Trào lưu hay hành xác” là chạy bộ sai cách và tác hại của nó. Tuy nhiên, có thể do thời lượng giới hạn nên khai thác chưa đủ sâu. Những giải đáp của bác sĩ Nguyễn Trọng Anh chủ yếu chỉ xoay quanh chạy bộ sai cách sẽ không đạt được tác dụng làm đẹp như thế nào.
Đây cũng là một chủ để được nhiều người quan tâm, nhất là người trẻ tuổi và phần đông là nữ giới. Bởi vì ngày càng có nhiều chị em lựa chọn chạy bộ là phương pháp giảm cân, đặc biệt là giảm mỡ vùng eo và đùi.
Bác sĩ Nguyễn Trọng Anh khẳng định, chạy bộ về lâu về dài là môn thể thao rất tốt cho cải thiện cũng như duy trì vóc dáng. Với một số trường hợp không thể giảm mỡ bụng hay thậm chí bị to chân, nhất là phần bắp đùi thì có nhiều lý do khác nhau.
Đầu tiên, ông cho biết rằng: “Môn chạy bộ đốt calo và giảm mỡ, nhưng tùy cơ địa mỗi người sẽ có kết quả khác nhau. Ví dụ như có người giảm mỡ ở mông, ở toàn thân nhưng lại không giảm mỡ ở bụng”.
“Khi bắt đầu chạy, nhiều chị em gặp tình trạng tăng kích thước vùng mông hoặc đùi, bắp chân do cơ tại các vùng này được tăng cường vận động và to ra. Nhưng không cần lo lắng vì nếu tiếp tục kiên trì, một thời gian ngắn sau đó cơ thể nói chung và cơ bắp nói riêng đã thích nghi, cơ săn chắc lại thì sẽ đạt hiệu quả giảm cân như mong muốn”.
Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Trọng Anh cũng khẳng định rằng điều này sẽ chỉ đạt được nếu chúng ta chạy đúng cách, chạy càng lâu càng đẹp. Còn khi chạy sai cách thì không chỉ mỡ bụng không giảm, chân to lên mà còn gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, dễ bị chấn thương. Các lỗi sai phổ biến khi chạy bộ bao gồm chạy quá sức, sai tư thế, sai kỹ thuật, uống thiếu nước, trang phục không phù hợp…
Thông qua chương trình, bác sĩ Nguyễn Trọng Anh nhắc nhở một số lưu ý khi chạy bộ để vừa khỏe vừa đẹp như: “Đầu tiên là phải lắng nghe cơ thể, biết thế nào là đủ, không quá sức, ví dụ như mỗi tuần chỉ tăng lên 10% quãng đường chạy bộ. Tiếp theo là phải tìm hiểu các kỹ thuật chạy đúng và các chấn thương thường gặp khi chạy cũng như cách phòng chống, xử trí nó. Cuối cùng là phải uống đủ nước, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ”.