Sáng 19/8, NHNN đã điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và đô la Mỹ áp dụng cho ngày 19/8/2015 từ mức 21.673 VND/USD lên 21.890 VND/USD (mức điều chỉnh tăng 1%), đồng thời điều chỉnh tăng biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Trước tâm lý tiêu cực của NĐT và chỉ số VNI giảm sâu sau quyết định điều chỉnh tỷ giá của NHNN, phóng viên NDH đã có trao đổi nhanh với lãnh đạo một số CTCK về vấn đề này.
Phá giá VND + nới room = Vốn ngoại chảy mạnh vào TTCK Việt
Ông Huỳnh Anh Tuấn, TGĐ công ty chứng khoán SJC
Tôi cho rằng mức phá giá và nới biên độ của NHNN không lớn so với Nhật và Châu Âu.
Về tác động, phá giá VND sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp vay nợ nước ngoài, bình thường vay USD lãi suất tầm 5%, nay phá giá tiền đồng thì lãi suất sẽ tăng tầm 3-4% nữa. Vay USD mà lãi suất tầm 8-10% gây áp lực rất kinh khủng, từ đó ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh, lợi nhuận, lợi thế cạnh tranh và cuối cùng tác động lên cổ phiếu của doanh nghiệp đó.
Việc phá giá VND mạnh cũng ảnh hưởng lớn đến dòng vốn ngoại. Tỷ giá là đã câu hỏi lớn với nhà đầu tư. Nếu tỷ giá biến động mạnh thì nhà đầu tư ngoại sẽ phải xem xét và so sánh với mức độ phá giá của các nước trong khu vực.
Đặc biệt, tỷ giá Việt Nam và sự ổn định của kinh tế vĩ mô tôi nghĩ rằng nó vẫn trong tầm kiểm soát dự trù cuả nhà đầu tư nước ngoài nên sẽ không ảnh hưởng nhiều.
Từ đầu năm tới giờ, Chính Phủ rất quan tâm đến TTCK Đó là nền tảng để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm hơn khi rót vốn vào VN.
Việc phá giá cũng là một cơ hội đối với các nhà đầu tư mới, đang tích luỹ USD sẽ được mua cổ phiếu giá rẻ. Đặc biệt, trong bối cảnh NĐ 60 sắp có hiệu lực. Vì vậy, phá giá và nới room sẽ tạo cơ hội cho dòng tiền mới vào Việt Nam về dài hạn.
Về độ mở của room ngoại, ngoài việc phụ thuộc vào các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong NĐ 60 còn phải đáp ứng được điều kiện nới room cuả từng doanh nghiệp, sau khi xin ý kiến cổ đông
Tỷ giá biến động chỉ làm dao động nhà đầu tư và ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường ngắn hạn còn về lâu dài nếu ổn định được tỷ giá TTCK Việt sẽ tăng trưởng bền vững hơn.
Nhà đầu tư ngoại sẽ không bỏ chạy!
Ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích CTCP Chứng khoán BSC
Việc tỷ giá biến động liên tục trong năm nay, chắc chắn trong ngắn hạn sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan thì NHNN điều chỉnh tỷ giá là hoàn toàn đúng và chúng ta buộc phải điều chỉnh trước áp lực phá giá đồng tiền của Trung Quốc và hàng loạt các nước trên thế giới.
Về doanh nghiệp, phá giá VND sẽ có tác động phân hoá đến từng nhóm ngành khác nhau. Các nhóm ngành sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc tăng tỷ giá là Vận tải biển, Xi măng, Dược, Nhựa, Săm lốp và Điện.
Bên cạnh dó, có ba nhóm ngành được đánh giá có ảnh hưởng tích cực từ việc tăng tỷ giá là Thủy sản, Dầu Khí, Dệt may và Công nghệ bởi hầu hết các doanh nghiệp đều dùng USD khi giao dịch, trong đó thuỷ sản có kim ngạch xuất khẩu lớn.
Việc phá giá sẽ không khiến khối ngoại bỏ chạy và ảnh hưởng tiêu cực như mọi người vẫn nghĩ. Thực ra việc tăng tỷ giá nhà đầu tư nước ngoài họ sẽ cân nhắc về sự ổn định đồng tiền của Việt Nam so với các nước trong khu vực và thế giới, từ đó đưa ra quyết định đầu tư.
Tôi lấy ví dụ, đồng Euro mỗi năm phá giá khoảng 10% tuỳ vào tình hình kinh tế nhưng không vì thế mà nhà đầu tư họ ngừng rót vốn. Ở Việt Nam cũng vậy, TTCK còn nhiều tiềm năng phát triển đặc biệt NĐ 60 sắp có hiệu lực, tôi cho rằng mức phá giá như hiện tại không ảnh hưởng nhiều đến tâm lý của nhà đầu tư nước ngoài.
Cơ hội mua cổ phiếu rẻ hơn xuất hiện
Ông Nguyễn Thế Minh, Trưởng phòng phân tích khối khách hàng cá nhân CTCK Bản Việt (VCSC).
Trước áp lực của cuộc chiến tiền tệ, bắt buộc NHNN phải phá vỡ cam kết tỷ giá đề ra từ đầu năm. Việc tăng tỷ giá và biên độ từ những lần trước đã tác động kéo dài nhiều phiên khiến thị trường giảm mạnh. Nên lần này tôi nghĩ sẽ chỉ tác động xấu trong ngắn hạn vài phiên.
Về doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc vay USD sẽ chịu thiệt hại nhưng mức độ ảnh hưởng về mặt tâm lý sẽ nhẹ. Bởi đây là xu thế chung, nhà đầu tư cũng phải chấp nhận và không phản ứng thái quá như các lần trước đó.
VND mất giá trong khi USD ngày càng mạnh lên sẽ làm xuất hiện một một luồng đầu tư, dòng vốn mới do cơ hội được mua cổ phiếu rẻ hơn xuất hiện. Trước đây họ bỏ 1 đồng chỉ mua được một vài cổ phiếu nhưng nay cũng số tiền đó họ mua được rất nhiều cổ phiếu.
Vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm nhất ở đây là tỷ giá có ổn định không hay sẽ tiếp tục tăng. Ở Việt Nam mình cũng như thị trường cận biên khác, tỷ giá ít biến động hơn so với các khu vực EU, Nhật Bản… Trong rủi ro nhưng vẫn luôn có những cơ hội mở ra.
Cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ kết hợp với những quy định mới của Chính Phủ về việc thu hút vốn ngoại sẽ khiến các nhà đầu tư ngoại phải so sánh với các nước khu vực.
Kinh tế vĩ mô của chúng ta khá ổn định, TTCK Việt đang đứng trước ngưỡng cửa bước vào nhóm thị trường mới nổi. Phá giá VND đó vừa thách thức vừa là cơ hội mới. Nhà đầu tư không nên nhìn việc phá giá VND theo chiều hướng quá tiêu cực.