Với nhịp sống và áp lực công việc tăng dần, con người phải chịu áp lực ở cường độ cao, nhiều người sẽ ra ngoài vận động sau giờ học tập và làm việc để giải tỏa. Tuy vậy, nếu không lựa chọn phương pháp tập luyện thích hợp, cơ thể bạn sẽ lại “gồng” thêm những áp lực thể chất, gây nguy hại từ bên trong.
Việc tập thể dục cũng có tác dụng giải tỏa áp lực trong cuộc sống. Thông qua tập luyện, tế bào não được kích thích sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh là endorphins, một chất giúp chúng ta hưng phấn, vui vẻ, yêu cuộc sống hơn.
Đồng thời, những người thường xuyên tập thể dục cũng làm cho tim và phổi hoạt động nhiều hơn, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ oxy tăng của cơ thể. Qua đó, các tế bào cơ và não cũng đón nhận nhiều oxy hơn, giúp cải thiện chức năng các tế bào này.
Trong quá trình tập luyện, mọi người còn có thể kết bạn với những người cùng chung sở thích và thói quen. Như vậy, thói quen thể dục có thể cân bằng cả các mối quan hệ, nâng cao sức khỏe tinh thần lẫn sức khỏe thể chất.
Tuy vậy, để đạt được những lợi ích trên từ việc tập thể thao, mọi người cũng cần lưu ý lựa chọn loại hình thể thao phù hợp với sức khỏe và thể trạng, tránh những tác dụng phụ không mong muốn.
Hiện nay, bên cạnh nhiều người chọn tập luyện trong các phòng gym với trang thiết bị đầy đủ, một số người chọn đi bộ nhanh hoặc chạy bộ, là những phương pháp đơn giản có thể tập tại bất cứ đâu, bất cứ lúc nào mà không tốn kém.
Một số cho rằng hiệu quả tập luyện của đi bộ nhanh là kém và không thể đạt được lợi ích tốt cho sức khỏe. Một số lại cho rằng chạy làm đau đầu gối, không tốt cho hệ xương khớp. Vậy tác động thực sự của việc đi bộ nhanh và chạy bộ là gì, khác nhau như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu sau đây.
Sự khác biệt giữa đi bộ nhanh 5km và chạy bộ 5km là gì?
1. Nhịp tim khác nhau
Một tiêu chí quan trọng để đo hiệu quả của việc tập thể dục là nhịp tim. Nếu là đi bộ nhanh 5 km thì tốc độ này vẫn tương đối chậm, nhịp tim sẽ tương đối thấp nên chỉ có thể đạt được trạng thái “khởi động” cho tim.
Nói chung, nhịp tim khi khởi động có thể đạt khoảng 50% nhịp tim tối đa, do đó, hiệu quả của việc đi bộ nhanh để đốt cháy chất béo sẽ tương đối kém.
Đối với những người chạy bộ, nhịp tim khi chạy bộ 5 km có thể đạt 70% nhịp tim tối đa, rất phù hợp với nhịp tim của người cần giảm béo. Do đó, chạy bộ sẽ phù hợp hơn với những người có nhu cầu giảm cân và giảm mỡ.
2. Mất thời gian khác nhau
Đi bộ nhanh và chạy bộ đương nhiên sẽ mất thời gian khác nhau. Thông thường, mọi người sẽ mất khoảng 30-35 phút để hoàn thành một cuộc chạy bộ 5 km, tiêu tốn ít thời gian hơn. Trong khi đó, nếu là đi bộ nhanh, mọi người có thể mất 40-45 phút nếu đạt tốc độ nhanh và ổn định, người nào chậm hơn có thể mất khoảng 50 phút.
Đi bộ nhanh và chạy bộ đương nhiên sẽ mất thời gian khác nhau. Ảnh minh họa: Internet
3. Thích hợp cho những người khác nhau
Hai loại hình này đều là bài tập aerobic, nhưng với những người khỏe mạnh thì chạy bộ chắc chắn sẽ tạo nhiều áp lực lên khớp gối hơn đi bộ nhanh. Khớp gối sẽ chịu sức nặng và bị kích thích nhiều hơn khi chạy bộ.
Đối với các môn thể thao, quan trọng nhất là phải phù hợp với bạn. Người tương đối yếu hoặc cao tuổi thì chọn đi bộ nhanh sẽ phù hợp hơn, chỉ cần bạn kiên trì đi bộ 30-60 phút mỗi ngày là có thể rèn luyện sức khỏe.
Đối với những người trẻ tuổi, hoặc người trung niên có nền tảng về thể thao, họ có thể tiếp tục lựa chọn chạy bộ, nhưng lưu ý không nên chạy quá sức. Tuân thủ 3-4 lần một tuần là đủ, chạy quá nhiều quả thực sẽ khiến đầu gối bị tổn thương.
4. Cường độ tập luyện khác nhau
Cả chạy bộ và đi bộ nhanh đều là bài tập aerobic cường độ vừa phải, tuy nhiên chạy bộ sẽ tiêu hao nhiều calo hơn đi bộ nhanh, cường độ tập sẽ cao hơn. Do đó, tuy tập thể dục đều đem lại tác dụng hữu ích cho cơ thể, nhưng cường độ tập luyện khác nhau thì lợi ích sức khỏe sẽ khác nhau.
Nói chung, tập thể dục cường độ thấp ít ảnh hưởng đến chức năng tim phổi của cơ thể, chỉ tập thể dục nhịp điệu cường độ trung bình và cường độ cao mới có thể rèn luyện chức năng tim phổi của cơ thể.
Nếu điều kiện thể chất cho phép, chạy bộ chắc chắn sẽ có lợi cho sức khỏe của cơ thể hơn là đi bộ nhanh, cộng thêm ưu thế tiết kiệm thời gian.
5. Vậy những lợi ích sức khỏe của việc chạy bộ là gì?
Vì chạy bộ là bài tập cường độ cao, rèn sức bền nên sẽ giúp hệ thống xương khớp chắc khỏe hơn. Nếu phụ nữ từ 30 – 40 tuổi chọn cách chạy bộ, họ có thể ngăn ngừa chứng loãng xương tiền mãn kinh. Chạy bộ cũng rất tốt cho sức mạnh cơ bắp, giúp duy trì cân nặng hợp lý và cải thiện chức năng tim mạch.
Nhưng mọi người không nên bắt đầu chạy bộ một cách tùy tiện. Trước khi chạy, cần kiểm tra huyết áp, đường huyết, lipid máu, chức năng tim phổi có hoạt động bình thường không. Sau đó hãy chú ý xem bạn có bị thừa cân không. Những người có thể trọng lớn nên bắt đầu bằng việc đi bộ nhanh trước, nếu không sẽ gây tổn thương cho khớp gối.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, sau đó bắt đầu chạy bộ khi cơ thể đã quen tập luyện.
*Theo KKnews