Thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, nhưng 9 tháng của năm 2024, Thành phố mới giải ngân khoảng 15.802 tỷ đồng, chỉ đạt 20% kế hoạch vốn được giao.
Chiều 3/10, tại họp báo kinh tế – xã hội, ông Phạm Tuấn Anh, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM phân tích một số nguyên nhân khiến tỉ lệ giải ngân đầu tư công của TP.HCM trong 9 tháng của năm 2024 đạt rất thấp.
Thời gian qua, TP.HCM đã thực hiện rất nhiều giải pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công như: lập kế hoạch đầu tư, giải ngân vốn đầu tư công chi tiết cho từng đơn vị, dự án; nêu rõ từng nhiệm vụ, nhắc nhở các đơn vị thực hiện chưa đạt yêu cầu,.. Song kết quả chỉ mới giải ngân được khoảng 15.802 tỷ đồng, tỷ lệ đạt 20% kế hoạch vốn được giao.
Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong kỳ trung hạn 2021-2025, TP.HCM được giao 249.000 tỷ đồng vốn đầu tư công, nhưng trong đó có đến 49% số vốn được giao giữa kỳ.
Thông thường toàn bộ vốn trong kỳ trung hạn sẽ được giao ngay từ đầu kỳ, nhưng do TP.HCM triển khai thực hiện Nghị quyết số 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nên được cấp bổ sung thêm lượng vốn 107.000 tỷ đồng. Số vốn này được giao vào thời điểm cuối năm 2023.
Đối với số vốn được giao từ đầu kỳ là 142.000 tỷ đồng, ông Phạm Tuấn Anh cho biết, tiến độ giải ngân của các dự án sử dụng phần vốn này đều đạt.
Còn với các dự án sử dụng vốn cấp bổ sung 107.000 tỷ đồng, phần lớn hiện nay đang trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục và chưa đến thời điểm giải ngân.
Ngoài ra, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho rằng việc Luật Đất đai 2023 được điều chỉnh thời điểm có hiệu lực sớm hơn dự kiến (ban đầu dự kiến có hiệu lực từ 1/1/2025 chuyển thành 1/8/2024) đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án và giải ngân số vốn của năm.
Theo đó, trong 79.000 tỷ đồng vốn đầu tư công năm 2024 của TP.HCM thì có đến 33.000 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng (chiếm 38%). Nhiều dự án lẽ ra đã đến giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng hoặc phê duyệt phương án bồi thường nhưng đều phải dừng để xem xét lại.
“TP.HCM đã phải dừng lại các dự án để xem xét, điều chỉnh lại tổng mức đầu tư do sự tăng lên về đơn giá tính theo quy định mới. Điều này, dẫn đến việc các dự án lớn, như: dự án Rạch Xuyên Tâm, dự án bờ Bắc kênh Đôi, phải đề xuất UBND TP tổ chức kỳ họp chuyên đề để thực hiện điều chỉnh bổ sung vốn. Chỉ tính riêng 2 dự án này, số vốn đầu tư đã khoảng 18.000 tỷ đồng, chiếm 23% tổng vốn phải giải ngân năm 2024 của cả thành phố” – ông Phạm Tuấn Anh cho biết thêm.
Không chỉ vậy, thời gian qua việc một số dự án có liên quan đến thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử cũng ảnh hưởng nhất định đến tâm lý chủ đầu tư và quy trình, thủ tục mà các đơn vị đang triển khai. Từ đó, tác động đến việc giải ngân vốn đầu tư công bị chậm. Hoặc trường hợp thiếu vật liệu, cát san lấp nhiều tháng qua, cũng ảnh hưởng đến nhiều dự án của TP.HCM.