Hệ thống “ngắt động cơ tạm thời” được nhà sản xuất coi là một bước đột phá mới trong công nghệ xe máy với khả năng tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường.
Sự thực, hiệu quả của hệ thống này thế nào vẫn là
câu hỏi của nhiều người tiêu dùng.
Dự tính mua một chiếc xe máy mới, anh Nguyễn Quốc Hưng, trú tại 9C1,
phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM chọn loại xe PCX. Khi đến cửa hàng ủy
nhiệm của Honda, anh Hưng được nhân viên giới thiệu về hệ thống tự động
ngắt động cơ tạm thời khi xe dừng ở các tình huống như gặp đèn đỏ ở giao
lộ hoặc giao thông bị ùn tắc. Tuy nhiên, anh vẫn băn khoăn không biết
liệu với hệ thống này, xe có thực sự an toàn khi lưu thông?
Lý giải về vấn đề trên, ông Shinichi Shimada, trợ lý giám đốc điều hành
khối Dịch vụ xe máy, Công ty Honda Việt Nam cho biết: “Hệ thống ngắt
động cơ tạm thời (Idling stop system) cho phép tạm ngắt động cơ khi xe
dừng 3 giây trong những lúc tắc đường hay chờ tín hiệu giao thông.
Xe sẽ tự khởi động lại khi người lái
tăng ga mà không cần ấn nút khởi động. Tất cả các hoạt động của hệ thống
này đều được kiểm soát và điều khiển bởi bộ điều khiển điện tử (ECU –
Electronic Control Unit) dựa trên những thông tin mà ECU thu thập được
từ cảm biến. Chính nhờ vào sự điều khiển của ECU, số vòng quay của bộ
khởi động tích hợp cùng máy phát điện (làm đồng thời 2 nhiệm vụ mô tơ đề
và máy phát điện) được gắn trực tiếp trên trục khuỷu sẽ được kiểm soát
chặt chẽ, giúp xe khởi động lại và xuất phát từ chế độ ngắt động cơ tạm
thời một cách êm ái, nhẹ nhàng.
Nhờ ngắt động cơ tự động mỗi khi dừng xe tại đèn giao thông hoặc khi tắc
đường, hệ thống góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu và giảm thiểu khí
thải.
Chế độ ngắt xe |
Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, PCX đạt hiệu suất cao nhất 51,5km/lít (dữ
liệu thử nghiệm nội bộ của Honda theo phương pháp thử ECE40). Và lượng
khí thải đạt tiêu chuẩn khí thải Euro 3 nghiêm ngặt, cao hơn tiêu chuẩn
khí thải Euro 2 được quy định tại Việt Nam. Do đó, chắc chắn hệ thống
ngắt động cơ tạm thời là công nghệ tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện
với môi trường.
Chuyên gia lên tiếng
Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, nguyên phó chủ tịch Hội Kỹ sư Ô tô
Việt Nam (VSAE) cho rằng, việc gì cũng có 2 mặt của nó. Về giải pháp kỹ
thuật tự động tắt máy sau khi xe dừng quá 3 giây của PCX có thể tiết
kiệm xăng và không thải khói độc khi xe dừng. Nhưng khi máy được khởi
động lại thì lại có thể gây hao xăng và thải nhiều khí độc. Bởi thường
khi khởi động sau thời gian dừng xe lâu, muốn khởi động lại, động cơ cần
hỗn hợp xăng – không khí đậm.
Chưa nói tới việc, cứ mỗi lần khởi động lại máy là một lần máy bị mòn
tức thời đối với xy lanh và bạc xéc – măng (vòng hơi) và nếu độ tin cậy
của hệ thống không đảm bảo thì xe sẽ nằm ỳ giữa giao lộ, gây hoảng loạn
cho người lái và gây ùn tắc cục bộ.
Vì vậy, chỉ nên tắt máy xe khi phải dừng xe quá lâu do ùn tắc giao
thông. Còn ở các giao lộ, khi gặp đèn đỏ, người điều khiển chỉ nên cho
máy chạy ở chế độ chạy không tải, tức là giảm tay gas về vị trí thấp
nhất. Việc để máy chạy cầm chừng ở trạng thái gặp đèn đỏ là luôn đưa xe
vào trạng thái sẵn sàng lăn bánh khi đèn xanh bật lên để tránh ùn tắc
cục bộ.
TS Nguyễn Hữu Hường, trưởng khoa Kỹ
thuật Giao thông, trường Đại học Bách khoa TPHCM cũng cho rằng: Tốt nhất
là người tham gia giao thông không nên ngắt tạm thời hay dừng hẳn động
cơ máy khi dừng chờ đèn đỏ. Nếu tín hiệu đèn giao thông mặc định với
thời gian quá lâu thì người lái xe nên để ở chế độ galăngti.
Có thể thấy, khi ngắt máy động cơ trong một khoảng thời gian cũng giúp
tiết kiệm xăng xe, nhưng về bảo vệ môi trường thì hoàn toàn ngược lại
với suy nghĩ của nhiều người là: Xe không xả khí thì không ảnh hưởng môi
trường. Bởi khí thải của xe khi bắt đầu khởi động máy còn độc hại hơn
nhiều so với lúc xe đang chạy. Mặt khác, ai dám đảm bảo tuyệt đối khi
ngắt máy rồi, khởi động lại xe sẽ chạy luôn, có thể còn gây cản trở lưu
thông trên đường.
Bee.net