Trước áp lực tỷ giá, Doanh nghiệp cần dùng công cụ phòng ngừa rủi ro

Việc lãi suất USD có khả năng điều chỉnh tăng trong thời gian tới, đặc biệt khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) tăng lãi suất cơ bản sẽ gây áp lực khá mạnh lên tỷ giá tiền đồng. Cùng với đó là việc phá giá đồng NDT và sức ép từ nhu cầu ngoại tệ của doanh nghiệp sẽ tăng trong dịp cuối năm.

Các yếu tố tác động lên tỷ giá

Trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) có quan ngại đến việc FED sẽ điều chỉnh lãi suất đồng USD vào giữa tháng 9 tới. Vì thế, việc phá giá đồng NDT được xem là động thái nhằm hạn chế việc FED sớm tái tăng lãi suất đồng USD.

Bởi nếu FED điều chỉnh lãi suất vào giữa tháng 9 sẽ thu hút một lượng lớn USD trôi nổi trên thế giới chảy về Hoa Kỳ. Các nhà đầu tư sẽ bán tháo tài sản khác để quay trở lại với đồng USD. Trong khi đó Trung Quốc là quốc gia có sức hấp thụ USD lớn nhất thế giới thông qua thị trường chứng khoán, thị trường hàng hóa.

Với những diễn biến gần đây của USD/NDT, NHNN đã nới rộng biên độ giao dịch USD/VNĐ tới ±2%. Đây được xem là phản ứng tương đối nhanh của NHNN nhằm giảm áp lực phá giá VNĐ. Thị trường đang chờ đợi những động thái tiếp theo của NHNN.

Trong bối cảnh này nhiều doanh nghiệp chỉ bán USD để lấy VNĐ cho những nhu cầu cần thiết về thanh toán, hầu như không có khách hàng có nhu cầu bán USD kỳ hạn. Nhu cầu USD trong những ngày qua cũng tương đối bình ổn do đợt biến động này không rơi vào đợt thanh toán của doanh nghiệp. Tuy nhiên, do các NH đang cố gắng mua USD để giảm trạng thái ngoại hối âm, đã tạo ra cầu khá lớn trên thị trường và tạo áp lực lên tỷ giá.

Còn theo HSBC Việt Nam, nhu cầu mua ngoại tệ của các doanh nghiệp cho thanh toán xuất nhập khẩu và chuyển lợi nhuận về nước tăng khá ở thời điểm cuối quý II-2015, cộng với thâm hụt thương mại tăng lên trong những tháng gần đây, đã tạo những áp lực lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, với sự phục hồi của nền kinh tế, thâm hụt thương mại được kỳ vọng duy trì xu hướng tăng lên trong những tháng cuối năm, do đó sẽ có những áp lực lên tỷ giá trong từng thời điểm nhất định. Tuy nhiên, với những chính sách và công cụ điều hành của NHNN cùng với nguồn cung từ vốn FDI, ODA, FII và kiều hối, tỷ giá sẽ ổn định trong thời gian tới.

Với dự trữ ngoại hối hiện nay, theo lãnh đạo của HSBC Việt Nam, NHNN hoàn toàn có đủ khả năng can thiệp hỗ trợ thanh khoản cho thị trường khi cần thiết. NHNN có thể không cần phải bán ra nhiều như vậy vì Việt Nam vẫn còn thu hút được nguồn ngoại tệ từ những nguồn khác như FDI.

Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của thị trường ngoại hối quốc tế có thể vẫn tiếp tục gây áp lực lên đồng nội tệ. Vì thế, các doanh nghiệp xuất khẩu và nhập khẩu nên cân nhắc sử dụng các công cụ ngoại hối phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá.

Tâm điểm quý IV-2015

Có nhiều biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó chính sách tiền tệ được xem là một trong những đòn bẩy giúp tăng năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp xuất khẩu một cách nhanh nhất.

Áp lực tỷ giá với Việt Nam là khó tránh khỏi, nhất là ở thời điểm quý IV, khi các dự báo cho rằng FED sẽ điều chỉnh lãi suất, cho dù NHNN vẫn cam kết giữ biên độ tăng không quá 2% năm nay. Bởi lẽ, thời gian qua tỷ giá luôn đứng trước trước áp lực tăng giá của USD và từ nay đến cuối năm, áp lực trên vẫn chưa hết.

Cùng với đó là áp lực phá giá đồng NDT của Trung Quốc lên tỷ giá khó tránh. Theo thông báo của PBOC, động thái giảm giá NDT không nhằm mục đích kích thích xuất khẩu mà để NDT mang tính định hướng theo thị trường hơn.

Trong một báo cáo tuần trước của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cơ chế xác định tỷ giá USD/NDT chưa đủ minh bạch và uyển chuyển. Một lưu ý khác, đã sắp tới thời điểm IMF xem xét việc NDT có được đưa vào rổ SDR của họ không. Do đó, thị trường không kỳ vọng xuất khẩu tăng nhiều cùng với việc NDT giảm giá.

Mặc dù nhiều hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam không còn cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt, nhưng đối với hàng điện tử cao cấp, Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và Việt Nam có thâm hụt cán cân thương mại lớn nhất với Trung Quốc, nên việc phá giá NDT ảnh hưởng nhiều tới thương mại của Việt Nam.

Trong một báo cáo đặc biệt, HSBC cho rằng trong khi những nhà làm chính sách Trung Quốc từ lâu đã ngụ ý về những cải cách liên quan tới ngoại hối, động thái của PBOC đã gây ra những biến động đáng kể đối với đồng NDT và các đồng tiền khác trong khu vực châu Á.

Vì thế, dù Trung Quốc có đủ công cụ chính sách để thúc đầy nhu cầu nội địa nhằm bù đắp cho những thách thức bên ngoài, HSBC dự đoán sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất chính sách xuống 25 điểm và giảm tỷ lệ dự trữ xuống 200 điểm trong nửa cuối năm 2015. HSBC cho rằng việc xác định tỷ giá phải bao gồm việc ngừng neo vào đồng USD, giảm can thiệp của PBOC và mang tính định hướng theo thị trường hơn.

Để đạt được điều này, quá trình xác định tỷ giá cần phải công khai hơn. Tuy nhiên, với thông báo thay đổi cặp tỷ giá USD/NDT, tương quan tỷ giá USD với các đồng tiền châu Á khác biến động nhiều hơn. Các cặp tiền châu Á và USD được giao dịch với độ nhạy cảm cao hơn với biến động của USD/NDT, ít nhất cho tới khi thị trường trong nước tìm thấy điểm cân bằng mới. Cụ thể, các đồng tiền châu Á bao gồm KRW, TWD và SGD được nhìn nhận nhạy cảm hơn với chính sách ngoại hối của Trung Quốc so với các đồng tiền khác trong khu vực.

Tỷ giá VNĐ/USD cũng không tránh khỏi áp lực dù NHNN vẫn cam kết không tăng quá 2% năm nay. Theo nhận định của ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh vàng, việc giữ cam kết tỷ giá không tăng quá 2% trong năm nay nên duy trì.

Vì khi nói đến lạm phát kỳ vọng năm nay được kiểm soát ở mức thấp, NHNN cũng muốn giữ cam kết mức tăng tỷ giá không quá 2% trong năm 2015, nên chỉ nới biên độ tỷ giá thêm 1%, thay vì tăng giá đồng nội tệ. Tuy nhiên, so với các đồng ngoại tệ trong khu vực cũng như thế giới, hiện VNĐ vẫn còn cao nên chưa thể cạnh tranh được hàng hóa của các thị trường xuất khẩu.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin