Huyện này có thế mạnh về phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả với gần 29.000 ha cây lâu năm, 35.000 ha cây hàng năm với những cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, chuối, hồ tiêu…
Ngày 12/7 vừa qua, UBND huyện Krông Pắc đã tổ chức Hội nghị tổng kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng năm 2023 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ năm 2024.
Theo số liệu rà soát vào tháng 3/2023, toàn huyện Krông Pắc có 7.157 ha sầu riêng, tăng hơn 3.000 ha so với năm 2022. Trong đó, diện tích trồng thuần sầu riêng là 610 ha, diện tích trồng xen trong vườn cà phê là 6.547 ha; có hơn 3.300 ha trong thời kỳ kinh doanh, tập trung chủ yếu tại xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc. Giống sầu riêng chủ yếu là Dona, phần còn lại là các giống Ri6, Musang King…
Niên vụ 2023, toàn huyện thu được hơn 80.000 tấn quả sầu riêng, năng suất bình quân đạt 24 tấn/ha. Đặc biệt có những vườn sầu riêng trồng từ các năm 2004, 2005 cho năng suất lên đến 35 tấn/ha. Với giá bán tại vườn bình quân từ 75.000 – 80.000 đồng/kg, giá trị sản xuất của cây sầu riêng ước tính từ 6.000 – 6.400 tỷ đồng.
Năm 2024, toàn huyện đã tăng gần 1.000 ha sầu riêng so với năm 2023; diện tích sầu riêng trong thời kỳ kinh doanh cũng tăng 695 ha; dự kiến tổng sản lượng sầu riêng toàn huyện đạt trên 92.000 tấn. Diện tích sầu riêng được cấp chứng nhận VietGAP đã đạt trên 1.200 ha.
Mặc dù là cây trồng có giá trị lớn, lợi nhuận cao, nhưng ngành hàng sầu riêng của huyện đang đối mặt với nhiều khó khăn, tồn tại như: tác động của biến đổi khí hậu lên khâu sản xuất; liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ; nhiều cơ sở được cấp mã số vùng trồng, đóng gói chưa tuân thủ tốt các quy định về kiểm dịch thực vật; vẫn còn vi phạm các quy định về vùng trồng, quản lý sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, truy xuất nguồn gốc sản phẩm…
UBND huyện đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả, tính bền vững của ngành hàng sầu riêng như: tuyên truyền, vận động người dân không phát triển ồ ạt diện tích, tập trung vào việc canh tác đúng quy trình kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu và thị trường tiêu dùng trong nước; tổ chức tốt chuỗi liên kết sản xuất từ vùng trồng, cơ sở đóng gói, cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật và doanh nghiệp xuất khẩu; kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm về quản lý, sử dụng mã số vùng trồng… Huyện cũng sẽ tăng cường tuyên truyền, quảng bá sản phẩm sầu riêng, đặc biệt là thông qua Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ II, năm 2024 sẽ được tổ chức từ ngày 30/8 – 2/9.
Về huyện Krông Pắc
Nằm trên tuyến hành lang phía Đông và trong vùng trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh, những năm qua, huyện Krông Pắc đã đạt được những bước tiến mạnh mẽ, vượt bậc, giữ vững đà tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước.
Năm 2023, tăng trưởng kinh tế toàn huyện đạt 12,6% với tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế đạt 20.093 tỷ đồng, huy động vốn đầu tư toàn xã hội 1.900 tỷ đồng, tổng thu ngân sách trên 356 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người hiện ở mức 65,7 triệu đồng/năm, gần cán mốc mục tiêu chung của cả nhiệm kỳ.
Trong 6 tháng đầu năm, kinh tế huyện Krông Pắc tiếp tục phát triển và đạt kết quả cao, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2023 như: tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế theo giá hiện hành đạt 11.811 tỷ đồng, tăng 94,52%; thu ngân sách đạt 155 tỷ đồng, tăng 3,69%…
Krông Pắc có thế mạnh về phát triển vùng chuyên canh cây ăn quả với gần 29.000 ha cây lâu năm, 35.000 ha cây hàng năm với những cây trồng chủ lực như cà phê, sầu riêng, chuối, hồ tiêu… Trong đó, diện tích sầu riêng gần 4.000 ha, có 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng khoảng 50.000 tấn/năm. Năm 2023, dự kiến thu về cho người nông dân khoảng 5.000 tỷ đồng. Có thể thấy, cây sầu riêng đã mang lại giá trị kinh tế cao, đời sống người nông dân ngày càng khá giả, góp phần quan trọng phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống cho người dân.
Toàn huyện hiện có 34 mã số vùng trồng sầu riêng, 12 mã cơ sở đóng gói được Cục Bảo vệ thực vật phê duyệt; sản lượng sầu riêng năm 2023 đạt trên 60.000 tấn với thị trường đa dạng, rộng mở. Bên cạnh sầu riêng, huyện Krông Pắc còn có doanh nghiệp đầu tiên của Tây Nguyên xuất khẩu yến sào chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, tiếp tục mở đường phát triển sâu một trong những sản phẩm nông nghiệp có lợi thế, giá trị cao của địa phương.