Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), động thái thay đổi cách điều hành thị trường tiền tệ là một bước tiến tới tự do hóa giao dịch đồng Nhân dân tệ. Tuy nhiên, quốc tế hóa đồng tiền không phải là nguyên nhân duy nhất khiến Trung Quốc thực hiện thay đổi này.
Bắt đầu từ ngày 11/8, Trung Quốc sẽ áp dụng quy chế điều hành thị trường ngoại hối mới với việc ấn định tỷ giá tham chiếu đầu mỗi phiên, hay nói cách khác là thả nổi có điều chỉnh đồng Nhân dân tệ. Tính đến ngày 13/8, ngân hàng trung ương nước này đã 3 lần hạ tỷ giá tham chiếu mỗi phiên lần lượt là 1,9%-1,6%-1,1%.
Theo hãng tin Reuters, có vẻ như chính phủ Trung Quốc đang tìm cách hạ giá đồng tiền của mình khoảng 10% nhằm thúc đẩy xuất khẩu. Nhận định này là có cơ sở khi đồng USD tăng giá 20% so với các đồng tiền khác và đồng Nhân dân tệ hầu như có tỷ giá tham chiếu cố định với đồng bạc xanh. Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc sẽ mất lợi thế cạnh tranh về giá hàng hóa, đặc biệt là khi một loạt các nước hạ giá đồng tiền để thúc đẩy kinh tế.
Thị trường các nước Eurozone, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Brazil, Đài Loan nhập khẩu khoảng 1,1 nghìn tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc trong 12 tháng qua, chiếm 45% xuất khẩu của nước này. Trong những năm trước đó, hầu hết các nước trên đều nhập khẩu nhiều hàng Trung Quốc hơn so với năm 2014.
Tuy nhiên, khi đồng Nhân dân tệ lên giá khoảng 20% so với đồng tiền các nước trên, hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc đắt hơn so với các đối thủ khác. Đây là một trong những nguyên nhân khiến Trung Quốc thực hiện thả nổi có điều chỉnh đồng Nhân dân tệ.
Nền kinh tế Trung Quốc hiện đang giảm tốc trong thời gian gần đây. Ngành công nghiệp sản xuất của nước này cũng đang gặp khó khăn , xuất khẩu tháng 7/2015 của nước này giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hoan nghênh việc thay đổi cách điều hành tỷ giá tham chiếu của Trung Quốc và nhận định đây là một bước tiến đến việc tự do hóa giao dịch đồng tiền này. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia lo lắng đồng Nhân dân tệ giảm giá có thể kích thích chiến tranh tiền tệ trên toàn thế giới cũng như kìm hãm khả năng tăng lãi suất sớm của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).