5 chướng ngại lớn nhất còn lại của TPP

Có lý do để hy vọng hàng dệt may Việt Nam sớm ngập tràn thị trường Mỹ khi thuế giảm từ 32% xuống 0%…

Khi tất cả các vòng đàm phán TPP kết thúc và tất cả những gì đã cam kết được thực hiện, thỏa thuận thương mại với sự tham gia của 12 quốc gia này sẽ kết nối khoảng 40% kinh tế thế giới.

Các nước thành viên được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều, nhưng chắc chắn còn nhiều vấn đề phức tạp phía sau. Dưới đây là 5 vấn đề gây cản trở lớn nhất đối với các vòng đàm phán TPP cho đến nay, theo phân tích và tổng hợp của tạp chí Time.

Bản quyền dược phẩm

Theo các công ty dược phẩm, cần từ 10 đến 15 năm để phát triển một loại thuốc mới. Chi phí nghiên cứu phát triển cho một loại lên đến 1,2 tỷ USD, bao gồm cả chi phí thử nghiệm.

Chính vì vậy, các sản phẩm dược phẩm cần được bảo vệ bản quyền trí tuệ trong thời gian dài để có thể bù đắp được chi phí và công sức nghiên cứu.

Trong nhiều vòng đàm phán TPP, người ta tranh luận rất nhiều về thời hạn mà một loại dược phẩm được bảo vệ bản quyền, hay nói cách khác là khoảng thời gian mà công ty sáng chế được độc quyền khai thác.

Hiện tại ở Mỹ khoảng thời gian này là 12 năm, thế nhưng phần lớn các nước tham gia đàm phán muốn phải ngắn hơn, chỉ 8 năm hoặc ít hơn. Úc còn muốn chỉ là 5 năm.

Cũng không quá khó hiểu khi Mỹ muốn độc quyền khai thác sản phẩm dược phẩm dài hạn, lý do là bởi Mỹ hiện đang sở hữu 6/10 tập đoàn dược phẩm lớn nhất thế giới. Các nhà đàm phán châu Âu chẳng quan tâm lắm đến bản quyền trí tuệ dược phẩm, bởi điều này chẳng ảnh hưởng nhiều đến lợi ích của họ.

Xuất khẩu sữa

Các sản phẩm sữa đóng góp khoảng gần 30% tổng giá trị xuất khẩu của New Zealand và 7% trong tổng GDP nước này, chính vì vậy việc mở rộng thị trường xuất khẩu sữa mang ý nghĩa quan trọng với New Zealand.

Đối với Canada, việc bảo vệ quyền lợi cho các nông dân ngành sữa cũng có tầm quan trọng rất lớn, khi nước này chuẩn bị bước vào cuộc bầu cử quan trọng. Hiện nay thuế nhập khẩu các sản phẩm sữa tại Canada là 248,95%. Nếu thuế này được bãi bỏ hoàn toàn sau khi gia nhập TPP, sữa New Zealand có thể tràn ngập thị trường Canada và nhiều thị trường khác.

Mỗi nước thành viên TPP đều có nhiều vấn đề của riêng họ, chính vì vậy không khó để hiểu tại sao các cuộc đàm phán lại gian nan đến như vậy.

Thuế nhập khẩu ô tô

Cho đến nay giới truyền thông đã quan tâm khá nhiều đến tranh cãi liên quan đến ngành ôtô. Chủ yếu hai nước ở tâm điểm của dư luận là Mỹ và Nhật, hai nước thành viên quan trọng trong TPP.

Trong số 30 nước thuộc Tổ chức Các nước hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Nhật là nước có thị trường ôtô khép kín nhất. Tỷ lệ nhập khẩu của ngành ôtô Nhật năm 2012 chỉ là 5,9% trong khi đó tỷ lệ trung bình của OECD là 58%, tỷ lệ đó tại Mỹ là 47,9%.

Để cản trở hoạt động kinh doanh của các hãng xe nước ngoài tại Nhật, Nhật đã áp dụng rất nhiều các rào cản phi thuế quan.

Về phía mình, Mỹ cũng có rất nhiều chính sách bảo vệ ngành ôtô nội địa. Hiện thuế nhập khẩu ôtô và linh kiện ôtô cá nhân là 2,5%, còn đối với xe tải nhẹ, thuế ở mức 25%.

Nhìn chung, chính phủ các nước công nghiệp bảo hộ khá chặt chẽ lĩnh vực ôtô, và điều này sẽ bắt buộc phải thay đổi sau khi họ gia nhập TPP.

Nguyên liệu dệt may

Cho đến nay, dệt may được coi như một sản phẩm tiêu biểu của toàn cầu hóa. Trong các cuộc đàm phán về TPP, dệt may được chú ý nhiều hơn bởi các nhà hoạch định chính sách đưa ra quy định cả sợi vải và sản phẩm dệt may cuối cùng phải được sản xuất và nhập từ nhóm các nước thuộc TPP, thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan.

Theo phân tích của Brooking Institutions, quy định này sẽ gây ra không ít khó khăn cho Việt Nam, hiện Việt Nam là nước xuất khẩu sản phẩm dệt may lớn thứ hai vào thị trường Mỹ, tổng giá trị hàng dệt may xuất khẩu năm 2014 lên tới 13 tỷ USD.

Tuy nhiên mỗi năm Việt Nam nhập khẩu 4,7 tỷ USD nguyên liệu dệt may, tương đương một nửa tổng giá trị nhập khẩu, từ Trung Quốc. Nếu phải độc lập nguồn nguyên liệu, Việt Nam chỉ sản xuất được 20% tổng sản lượng sản phẩm dệt may cần để xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Những thập kỷ qua, các công ty dệt may ở Việt Nam đã rất cố gắng để đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, thế nhưng việc gia nhập TPP sẽ buộc họ phải nỗ lực nhiều và nhanh hơn nữa.

Nhưng làm được điều này, ngành dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi cực lớn từ TPP, bởi thuế nhập khẩu hàng dệt may ở Mỹ hiện ở mức 32% sẽ xuống 0%.

Trên thực tế, tính toán của các chuyên gia cho thấy xét đến quy mô nền kinh tế, Việt Nam sẽ hưởng lợi lớn nhất từ TPP.

Thao túng tiền tệ

Thao túng tiền tệ là khi chính phủ một số nước mua hoặc bán ngoại tệ trong nỗ lực thay đổi tỷ giá đồng nội tệ của họ một cách giả tạo.

Nhiều chính trị gia Mỹ đang phản đối TPP, bởi họ muốn vấn đề thao túng tiền tệ phải được giải quyết.

Tính toán của viện Peterson cho thấy mỗi năm thâm hụt thương mại Mỹ tăng từ 200 tỷ đến 500 tỷ USD do hành vi thao túng tiền tệ của chính phủ các nước khác. Cùng lúc đó, mỗi năm thêm từ 1 đến 5 triệu người Mỹ mất việc cũng bởi lý do này.

Tuy nhiên, chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia sẽ do quốc gia đó quyết định. Nếu các nước muốn áp dụng quy định chống thao túng tiền tệ, TPP chắc chắn sẽ đổ vỡ hoàn toàn. Nhưng nếu không nói gì đến điều đó, Tổng thống Obama sẽ còn gặp cực kỳ nhiều thách thức nếu muốn có được TPP.

Dù vậy, bất chấp các vấn đề nêu trên, tất cả các nước tham gia TPP sẽ vẫn được nhiều hơn mất. Hãy cứ hy vọng TPP sẽ được hoàn thành cuối năm nay.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin