Hãy trang bị ngay các kiến thức này để phòng tránh những hậu quả do độc tố của loại côn trùng này gây nên nhé!
Thời gian gần đây, kiến ba khoang xuất hiện nhiều trở lại. Nguyên nhân là do thời tiết mưa (do ảnh hưởng của bão thời gian gần đây), cùng với việc đến mùa thu hoạch lúa, khiến kiến ba khoang không còn nơi cư trú, vì thế mà “tấn công” mạnh vào khu dân cư. Có khá nhiều người dân, dù từng nghe nhiều về tác hại của kiến ba khoang nhưng vẫn vô tình hoặc cố tình dùng tay giết kiến, khiến bản thân hoặc người thân phải chịu những hậu quả nặng nề.
Trong thân của kiến ba khoang có chứa một độc tố là pederin (còn gọi là cantharidin, thuộc loại alkaloid). Khi bạn vô tình chạm phải hay cố tình dùng tay giết kiến, độc tố này có thể dính vào da và gây nên những hậu quả nghiêm trọng như phồng rộp, ngứa ngáy, đau rát, thậm chí có cảm giác như bị cháy da… Nghiêm trọng hơn, nếu nọc độc này rơi vào các vùng da hoặc bộ phận nhạy cảm như cổ, mặt, mắt, cánh tay… thì khả năng gây hại sẽ càng nghiêm trọng hơn.
Cẩn thận kẻo nhầm thành zona
Khi dính phải độc tố trong kiến ba khoang, da của chúng ta thường có các biểu hiện như phồng rộp thành vệt dài, đám nhỏ, mụn nhỏ li ti, có bọng nước, khi vỡ có thể gây loét, mưng mủ, cảm giác đau rát như bị bỏng, bệnh nhân có thể bị sốt, nổi hạch ở vùng lân cận…
Theo các chuyên gia, biểu hiện này khá giống với zona nên chúng ta thường hay bị nhầm lẫn giữa hai bệnh này. Điều đó sẽ gây ảnh hưởng đến việc điều trị, thậm chí còn có thể gây nguy hiểm nếu tự ý xử lý tại nhà. Vì vậy, các bạn không nên chủ quan, cần xem xét kỹ và đến gặp bác sĩ ngay sau khi sơ cứu để biết cách điều trị đúng.
Xử lý nhanh khi bị dính vào độc tố kiến ba khoang
Thực tế, ngay cả khi đã bị dính độc tố kiến ba khoang cũng không quá nguy hiểm nếu chúng ta biết cách xử lý. Tuy nhiên, chính những sai lầm hoặc xử lý chậm đã khiến cho độc tố lan rộng và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Các bạn cần nhớ, tuyệt đối không nên làm những điều sau khi dính độc tố kiến ba khoang: chỉ rửa bằng nước (vì nước không thể làm sạch hoàn toàn độc tố, thậm chí còn có thể làm độc tố lan ra vùng khác); tự ý bôi thuốc; gãi, khiến vết thương lan rộng.
Dưới đây là các bước xử lý chính xác khi gặp kiến ba khoang:
1. Khi phát hiện ra kiến ba khoang, các bạn không nên dùng tay bắt trực tiếp, tốt nhất nên đeo găng tay, tuyệt đối không chà xát để tránh làm nọc độc lan rộng.
2. Nếu bị dính độc tố, cần nhanh chóng rửa sạch bằng xà bông, nếu có cồn có thể rửa sạch và sát trùng bằng cồn. Rửa càng sạch sẽ càng hạn chế được tác hại của độc tố kiến ba khoang.
3. Đến gặp bác sĩ ngay để được cấp thuốc điều trị chính xác.
Lưu ý để phòng tránh hậu quả từ độc tố kiến ba khoang:
– Không nên mở cửa nhiều vào mùa này, nhất là vào buổi tối vì như vậy sẽ thu hút kiến ba khoang vào nhà.
– Vệ sinh nhà cửa sạch sẽ thường xuyên, nên dọn sạch các lùm cây, bụi rậm quanh nhà vì những nơi này thường có nhiều kiến ba khoang.
– Giũ mạnh quần áo trước khi mặc để đảm bảo không có kiến ba khoang.
– Nên ngủ trong màn để hạn chế kiến ba khoang bò vào người lúc đang ngủ.
– Nếu kiến ba khoang xuất hiện ồ ạt, nên sử dụng thuốc phun để phòng tránh.
– Tuyệt đối không dùng tay trần bắt kiến, không chà xát làm độc tố lan ra.