Nước lọc không phải là lựa chọn duy nhất để cung cấp nước cho cơ thể.
Cơ thể được lợi gì khi uống trà và nước thường xuyên?
Trà
Nhóm nghiên cứu từ Đại học Milan (Italy) đã tiến hành phân tích dữ liệu và so sánh giữa những người có và không uống trà, kết quả mới đây được công bố trên tạp chí British Journal of Cancer. Nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng so với những người không uống trà thường xuyên, nguy cơ ung thư dạ dày ở những người uống trà thấp hơn.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu do nghiên cứu sinh Cheng Pengfei (Bệnh viện Nankai thuộc Đại học Y Thiên Tân – Trung Quốc) đứng đầu đã phân tích dữ liệu của 720.000 người. Họ phát hiện rằng việc tiêu thụ nhiều trà hơn có liên quan đến việc giảm 34% nguy cơ xuất huyết não.
Giáo sư Chen tại Viện nghiên cứu trà cho biết trà chứa nhiều loại nguyên tố cần thiết cho cơ thể, giúp tăng cường thể chất, cải thiện khả năng miễn dịch…
Trà có nhiều nguyên tố cần thiết cho cơ thể. Ảnh: iStock.
Nước
Nước là một phần quan trọng và chiếm 70% trọng lượng cơ thể con người. Việc uống nhiều nước giúp bổ sung lượng nước cần thiết, đẩy nhanh quá trình trao đổi chất, có lợi cho tất cả cơ quan trong cơ thể…
Song theo khảo sát, 65,9% người uống nước khi khát, chỉ 5% người uống nước thường xuyên và đủ định lượng. Trong khi đó, cơ thể thường xuyên bị mất nước, dễ tiềm ẩn hàng loạt nguy cơ về sức khoẻ.
Nếu không uống đủ nước, bạn có thể đối mặt với tình trạng táo bón, chức năng thận suy giảm, tim hoạt động kém… Thói quen ít uống nước còn có liên quan đến các bệnh về huyết khối, gút, khối u ác tính…
Nước hay trà tốt hơn?
Cả trà và nước đều là lựa chọn tốt để bổ sung nước. Song nhiều chuyên gia cho rằng nước tốt hơn trà. Bởi nước không chứa caffein, đường hay các chất phụ gia khác. Nước giúp cơ thể hấp thụ các khoáng chất cần thiết, ngăn ngừa sỏi thận…
Các chuyên gia khuyên mọi người nên tiêu thụ 8-12 ly nước mỗi ngày. Song thực tế, lượng nước cụ thể tuỳ thuộc vào cân nặng, hoạt động thể chất và môi trường xung quanh.
Trà không nên là thức uống thay thế nước. Ảnh: ClassPass.
Nếu là người thường xuyên tiêu thụ trà, bạn vẫn có thể dùng loại thức uống này và tăng lượng nước trong cơ thể. Tuy nhiên, trà không nên thay thế hoàn toàn nước bởi nhiều loại trà có thể được bổ sung thêm hương vị và đường. Điều quan trọng là cần kết hợp nước vào lượng thức uống hàng ngày.
Theo Healthline, trà xanh là loại đồ uống bổ dưỡng có chứa lượng caffein an toàn, nhưng ít hơn so với trà đen. Song trà xanh đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể, như chất chống oxy hoá, ngăn ngừa bệnh tiểu đường và tim mạch…
Trà đen mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe vì chứa chất chống oxy hóa và các hợp chất có thể giúp giảm viêm trong cơ thể.
Trà thảo mộc nói chung có nhiều tác động tích cực tới cơ thể. Tuy nhiên, tuỳ từng loại cụ thể (trà rooibos, trà hoa cúc, trà gừng…) mà trà thảo mộc có những tác dụng khác nhau. Bạn nên chú ý thời gian và liều dùng, bởi một số có thể gây tác dụng phụ nếu sử dụng trong thời gian dài hoặc dùng với hàm lượng quá nhiều.
Tuỳ cân nặng, hoạt động thể chất và môi trường, mỗi người có lượng nước tiêu thụ khác nhau. Ảnh: Health Digest.
2 loại đồ uống nên tránh càng xa càng tốt
Bia
Bia chứa ít ethanol hơn rượu vang đỏ và trắng. Song dù chỉ là lượng nhỏ ethanol cũng có thể gây co mạch, ảnh hưởng đến tuần hoàn máu, tăng cân, tăng nguy cơ trầm cảm, mắc bệnh gan và thậm chí là nguy cơ tử vong.
Đồ uống có đường và ga
Đồ uống chứa đường có thể khiến cơ thể hấp thụ quá nhiều calo và tăng cân. Đồng thời làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như béo phì, đái tháo đường loại 2, tim mạch và các bệnh mạn tính khác. Đặc biệt, việc tiêu thụ nhiều đồ uống có đường có thể làm tăng nguy cơ tử vong sớm.
Ngoài ra, bạn cũng nên tránh xa đồ uống có ga do những tác hại chúng gây ra cho cơ thể. Do hàm lượng đường, muối natri và caffein trong đồ uống có ga cao, thức uống này có thể khiến cơ thể mất nước. Đồ uống có ga có thể gây ra mảng bám tích tụ trên răng, dẫn đến sâu răng và bệnh nướu. Ngoài ra, thức uống này còn có thể khiến bạn tăng cân, phát triển bệnh đái tháo đường.