Cuộc sống không tránh khỏi những lúc phạm sai lầm. Sai lầm hiện hữu muôn hình vạn trạng, nhưng khi tổng kết lại, có 10 hình thái mà bất kì người nào cũng dễ dàng mắc phải và hối hận.
(1) Ảo tưởng – suy nghĩ lớn lao nhưng hành động tầm thường
Khi gặp khó khăn, chúng ta thường mượn thế giới tưởng tượng để thoát ly khỏi thực tại. Chúng ta tự vẽ ra cho mình một lối thoát để thỏa mãn nhu cầu của bản thân. Nhưng tiếc thay nó chỉ là giấc mộng của một kẻ nằm mơ giữa ban ngày.
Nếu việc này có thể thay thế cho bất cứ hành động nào trong thực tế thì đây sẽ là cách con người hay dùng để giải quyết mọi khó khăn. Lâu dần, con người sẽ trở nên “ảo tưởng sức mạnh”, hay còn gọi theo một cách khác là mắc chứng hoang tưởng.
Những điều bạn tưởng tượng thì luôn tràn ngập những điều đẹp đẽ, nhưng cuộc sống mà bạn trải qua không tránh khỏi nhiều chuyện phiền não, khổ tâm. Nếu muốn thành công, chúng ta cần phải học cách đối mặt với sự thật để tìm ra cách giải quyết vấn đề. Sự trốn tránh chỉ càng kìm hãm sự phát triển của chính ta mà thôi.
(2) Đa nghi – biến không thành có
Khi bạn hiểu cũng là lúc bạn không còn nghi ngờ. Ngược lại, chỉ khi lòng bạn không còn nghi ngờ gì nữa, bạn mới thực sự hiểu.
Đa nghi không chỉ là một trong những điểm yếu của con người mà còn là gốc rễ của mọi tai họa và rắc rối. Đa nghi sẽ làm cho một chuyện bình thường biến thành chuyện tiêu cực và xấu xa.
Sự đa nghi làm chúng ta trở nên nhạy cảm một cách quá mức. Sự căng thẳng và âu lo khi ấy sẽ dần xâm chiếm lấy toàn bộ tâm trí và cuộc sống. Người khác cũng nảy sinh lòng nghi ngờ và có sự cảnh giác nhất định đối với chúng ta. Đây là một điều rất bất lợi cho các mối quan hệ xã hội.
(3) Tư duy ngắn hạn – tâm lý thích “ăn xổi”
Người có tâm lý thích “ăn xổi” vốn không thể nhìn xa trông rộng. Họ vì ham cái lợi trước mắt mà không màng đến tương lai. Giống như một người khi thấy cơ thể bị đau ở đâu thì chữa ở đó chứ không hề chữa được tận gốc rễ của bệnh.
Họ vì một phút vui vẻ của hôm nay mà bỏ cuộc trước khó khăn vất vả, nhất quyết không chịu cố gắng vì tương lại. Sau cùng, những thứ có được chẳng đáng là bao so với những thứ đã đánh mất.
(4) Đặt lợi ích là chuẩn mực – khi đạo đức bị xem nhẹ
Lợi ích từ lâu đã trở thành mục tiêu mà con người theo đuổi trong cuộc sống. Thậm chí, có người còn lấy lợi ích của bản thân làm chuẩn mực cho cuộc sống. Họ sẵn sàng đặt lợi ích của mình lên trên cả những mối quan hệ với người thân và bạn bè. Xét trên khía cạnh thực tế, ta không thể phủ nhận được tầm quan trọng của lợi ích.
Nhưng nếu đã bất chấp coi lợi ích của bản thân là số 1 thì bạn cũng nên chấp nhận phải trả giá đắt cho nó. Đôi khi, lợi ích cũng trở thành cái bẫy mà người khác giăng ra chờ những người bị nó làm mờ mắt sập bẫy. Bọn họ đa phần đều tự chui mình vào lưới hơn là thoát ra khỏi cái bẫy đó.
(5) Hứa mà không làm – tưởng không khó mà khó không tưởng
Giữ chữ tín được coi là một trong những phẩm chất quan trọng nhất của con người. Giữ lời hứa không chỉ là có trách nhiệm với người khác mà còn là đối với cả bản thân mình.
Nếu bạn không muốn biến mình thành một kẻ thất hứa, thì đừng có vội vàng hứa hẹn với người khác. Bạn đừng vì một phút vội vàng hay tính cả nể sĩ diện mà nhận làm những việc bản thân không thể thực hiện.
Cuối cùng, bạn sẽ đánh mất đi sự tín nhiệm của mọi người.
Người xưa có câu: Một lời hứa đáng giá ngàn vàng. Thiết nghĩ việc tu dưỡng đạo đức của con người cũng nên được bắt đầu từ chính việc nói lời phải giữ lấy lời.
(6) Mù quáng chạy theo đám đông – những cái tôi đáng thương bị bỏ rơi
Tâm lý đám đông vừa là một trong những đặc điểm tâm lý của nhiều người mà cũng là một cạm bẫy tâm lý vô cùng nguy hiểm.
Thế giới quan, nhân sinh quan và giá trị quan của mỗi người là khác nhau. Con đường mà mỗi chúng ta đi cũng khác nhau. Nhưng có lẽ chúng ta sợ mình khác biệt hoặc bị tách ra không đám đông ngoài kia. Chúng ta cảm thấy sợ hãi để rồi mù quáng mà đánh mất chính mình, từ bỏ cá tính của bản thân. Trực giác và sự tự tin của chúng ta cũng theo đó mà yếu dần đi rồi biến mất.
(7) Tự ti về bản thân – giết chết tiềm năng của chính mình
“Thượng đế sẽ chỉ cứu rỗi những kẻ biết tự cứu lấy chính mình.” Thành công chỉ thuộc về những kẻ khao khát và cố gắng vì nó. Nỗi sợ và thiếu tự tin chính là chướng ngại cản trở con người tiến lên phía trước.
Đôi khi, thất bại không phải vì nguyên nhân khách quan, mà là vì chúng ta lại có suy nghĩ mình không thể làm được. Con người sẽ trở nên thật nhỏ bé với một tầm nhìn hạn hẹp và tính tự ái cao ngất trời. Nếu sống chung với những người như vậy, chúng ta rất dễ phải nhận lấy sự tổn thương.
Đây chính là một kiểu người thất bại bẩm sinh. Họ khép mình với xã hội và tự tay giết chết đi những khả năng tiềm ẩn của bản thân. Sớm hay muộn thì họ cũng sẽ bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tinh thần.
(8) Theo đuổi sự hoàn hảo tuyệt đối – một dị nhân mang nhiều mặc cảm
Con người vốn không có ai là hoàn hảo. Triết gia Nga Nikolay Chernyshevsky từng nói: “Ngay cả mặt trời cũng có lỗ đen, vậy thì mọi chuyên trên đời càng khó để mà không có khuyết điểm.”
Trong cuộc sống, chúng ta vẫn luôn bắt gặp những kẻ mải miết đi tìm sự hoàn hảo vốn chưa từng có thật. Họ đem cái khao khát ấy đè nặng lên bản thân và áp lên cả mọi người xung quanh và mọi chuyện trên đời. Vì quá mải miết theo đuổi sự hoàn mỹ ấy, họ sẵn sàng vứt bỏ cuộc sống hạnh phúc và cả sinh mạng của chính mình.
(9) Đánh mất ước mơ – khi chiến binh mất đi sỹ khí
Thất bại không cần kế hoạch nhưng thành công lại đòi hỏi một kế hoạch tỉ mỉ đến từng đường đi nước bước. Từ xưa đến nay, người thành công đều sở hữu hai đặc điểm sau: Có mục tiêu rõ ràng và luôn phấn đấu không ngừng để đạt được mục tiêu. Người sống không có ước mơ cũng giống như con thuyền bị mất phương hướng trên biển. Cơn gió nào đối với nó cũng là gió ngược chiều. Vũ trụ sẽ luôn thành toàn cho người biết sống vì ước mơ và hoài bão của bản thân.
Từ hôm nay, bạn hãy bắt tay vào xây dựng thành công cho chính mình từ những điều nhỏ nhất.
Đầu tiên, bạn cần lập ra một mục tiêu rõ ràng và dài hạn. Sau đó, bạn hãy tranh thủ tối đa quỹ thời gian của mình, từng bước kiến tạo nên thành công của tương lai.
(10) Khủng hoảng tuổi trung niên – tinh thần suy sụp trước áp lực cuộc sống
Con người bước vào tuổi trung niên khi đã ở bên kia sườn dốc của cuộc đời. Những trách nhiệm gia đình và công việc vẫn không ngừng đè nặng lên đôi vai của họ. Họ mang theo mình sự bất mãn về công việc và sự nghiệp. Cuộc sống đã thôi không còn tạo ra những thử thách mới mẻ, khơi gợi sự kích thích đối với họ nữa. Sự lạc quan và tự tin của tuổi trẻ thay bằng sự bất lực và bi quan của tuổi trung niên.
Trước hai khối áp lực lớn là gia đình và sự nghiệp, tâm lý và sức khỏe bắt đầu xuất hiện dấu hiệu báo động. Con người sẽ xuất hiện một loạt các loại tâm lý tiêu cực, gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng đối với tinh thần và thể chất.
Chỉ có tinh thần lạc quan mới là điểm tựa vững chắc giúp con người bình thản đi qua những tháng năm giông tố này.