Công ty liên quan Vạn Thịnh Phát lỗ nặng nửa đầu năm

Công ty cổ phần Bông Sen – doanh nghiệp liên quan Vạn Thịnh Phát, sở hữu nhiều khách sạn, nhà hàng hạng sang – lỗ hơn 400 tỷ đồng nửa đầu năm.

Theo bảng công bố thông tin của Bông Sen mới đây, lợi nhuận sau thuế của công ty âm khoảng 401 tỷ đồng, tăng hơn 43% so với cùng kỳ năm trước. Trung bình mỗi ngày, họ lỗ hơn 2,2 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này tiếp tục thua lỗ kéo dài từ khi công bố thông tin năm 2021 đến nay. Mức thâm hụt lợi nhuận kỳ này còn lớn hơn khoản lỗ cả năm 2021.

Kinh doanh bết bát làm xói mòn vốn chủ sở hữu. Tính đến cuối tháng 6, chỉ tiêu này giảm khoảng 25% về khoảng 5.264 tỷ đồng. Ngược lại, tổng nợ phải trả tăng 28% lên gần 8.370 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần vốn.

Trong đó, công ty ghi nhận khoảng 4.800 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Đây là khoản huy động được phát hành từ tháng 10/2021 do Chứng khoán Tân Việt (TVSI) thu xếp. Lãi suất được đưa ra 10,5% một năm và có hạn trả lãi định kỳ 3 tháng một lần. Ban đầu lô này có kỳ hạn 5 năm, nhưng về sau kỳ thanh toán gốc dời lại thành cuối tháng 6/2023.

Thời gian trước, Bông Sen phát hành lô trái phiếu này để góp vào hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty TNHH Vina Alliance cho dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại – dịch vụ và căn hộ tại số 152 Trần Phú. Về sau, dự án này bị thanh tra và thu hồi.

Đến tháng 11/2022, Bông Sen thông báo đã yêu cầu Vina Alliance hoàn lại toàn bộ số tiền nhưng mất liên lạc. Công ty đưa ra giải pháp nếu Vina Alliance trả tiền, họ mới thanh toán gốc cho trái chủ. Bởi theo Bông Sen, tài khoản công ty và tài sản đảm bảo được thế chấp tại SCB bị phong tỏa nên không thực hiện lệnh chi tiền và không còn hướng xử lý.

Trong phiên họp bất thường cuối tháng 8/2023, doanh nghiệp này cho biết sẽ xử lý các tài sản để thực hiện nghĩa vụ với lô trái phiếu 4.800 tỷ đồng kể trên. Các tài sản được đưa ra gồm cổ phần của Công ty Daeha, hồ sơ thế chấp khách sạn Palace Saigon, khách sạn Bông Sen Annex, nhà hàng Vietnam House và hai bất động sản khác tại quận 1… Nếu không đủ chi trả, công ty nói sẽ xử lý các tài sản khác để tất toán toàn bộ nghĩa vụ.

Tuy nhiên đến nay, tình trạng chậm trả nợ gốc trái phiếu trên vẫn tồn đọng. Theo số liệu cập nhật gần nhất vào cuối năm 2023, tổng lãi vay và lãi phạt chậm trả đã lên đến hơn 1.061 tỷ đồng, tương đương 22% dư nợ gốc.

Mặt tiền khách sạn Palace Saigon nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM). Ảnh: Bông Sen Corp

Mặt tiền khách sạn Palace Saigon nhìn từ phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM). Ảnh: Bông Sen Corp

Công ty cổ phần Bông Sen vốn là doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), được cổ phần hóa năm 2005. Công ty này sở hữu loạt “đất vàng” tại trung tâm TP HCM để làm khách sạn như Palace Saigon (đường Nguyễn Huệ), Bông Sen Sài Gòn (đường Đồng Khởi), Bông Sen Annex (đường Hai Bà Trưng). Ngoài ra, công ty còn sở hữu các nhà hàng Vietnam House, Lemongrass, Calibre, Bier Garden, Buffet Gánh Bông Sen và chuỗi bánh Brodard với 18 cửa hàng.

Bông Sen từng nổi lên với thương vụ mua hơn 51% vốn Công ty cổ phần Daeha, chủ đầu tư khu phức hợp trung tâm thương mại Daeha – khách sạn Daewoo (Ba Đình, Hà Nội). Doanh nghiệp này từng thâu tóm Công ty cổ phần Saigon One Tower – chủ đầu tư tòa nhà cùng tên đã “đắp chiếu” suốt nhiều năm, nay là IFC One Saigon.

Doanh nghiệp này cũng nằm trong danh sách 762 công ty có liên quan đến Vạn Thịnh Phát. Ngoài ra ở lô trái phiếu mà công ty đang nợ, hai đơn vị thu mua sơ cấp để phát hành thứ cấp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ là TVSI và Công ty Tân Thành Long An, cả hai đều liên quan đến hệ sinh thái của bà Trương Mỹ Lan.

Tất Đạt

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin