Đại biểu Quốc hội “bắt bệnh” ngành du lịch Việt Nam

Nếu như các vấn đề về nhập siêu, nợ công và tiêu thụ nông sản làm “nóng” bàn nghị sự sáng nay thì một vấn đề không kém phần quan trọng được đưa ra mổ xẻ là ngành du lịch Việt Nam đang đi xuống.

Theo số liệu công bố từ Tổng cục Du lịch Việt Nam và Tổng cục Thống kê, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã sụt giảm liên tiếp trong vòng 12 tháng qua tính từ tháng 6/2014 đến tháng 5/2015.

Tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 8/6, Đại biểu Đinh Công Sỹ – Đoàn Đại biểu Sơn La đánh giá, trong thời gian qua, ngành du lịch Việt Nam đã có những đóng góp đáng kể vào việc tăng nguồn thu.

Tuy nhiên, từ quý II năm 2014, số du khách quốc tế đến nước ta liên tục giảm. Một số nguyên nhân khách quan được chỉ ra như tình hình căng thẳng biển Đông, tỷ giá chênh lệch…

Đại biểu cũng nhìn nhận, bên cạnh nguyên nhân khách quan còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như công tác quản lý và điều hành chưa tốt; hoạt động chưa chuyên nghiệp, thiếu nguồn nhân lực có chất lượng cao, tự nâng giá…

Dịch vụ du lịch của nước ta chưa đủ mạnh để giữ chân du khách, chiến lược phát triển ngành du lịch chưa rõ ràng. Do vậy, nếu không tự nâng cao tính kỷ luật, đạo đức kinh doanh thì rất khó cạnh tranh.

Cùng chung quan điểm với Đại biểu Sỹ, Đại biểu Trần Dương Tuấn – Đoàn Đại biểu Bến Tre nhận định, vấn đề của ngành du lịch Việt Nam là những vấn đề hết sức căn cơ.

Do vậy, Đại biểu kiến nghị, cần xây dựng đề án tái cơ cấu lĩnh vực dịch vụ – lĩnh vực còn nhiều dư địa để tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cần xác định nguyên nhân và giải pháp giải quyết những vướng mắc, thành lập tổ công tác liên bộ để điều chỉnh cơ chế chính sách, giúp ngành công nghiệp “không khói” phát triển.

Phát biểu gần cuối phiên thảo luận buổi chiều, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lý giải về những vấn đề, tồn tại của ngành du lịch Việt Nam hiện nay.

Theo Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh, trong thời gian gần đây, để thực hiện Nghị quyết của Đảng, Chính phủ liên tục có các Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch. Trong đó, Nghị quyết 40 đã nêu ra 3 nhóm giải pháp cơ bản.

Thứ nhất, mở rộng miễn thị thực đơn phương cho khách du lịch. Thái Lan đã miễn thị thực cho 61 nước; tương tự với Malaysia, Singapore…

Thứ hai, đầu tư cho công tác xác tiến quảng bá du lịch. Chính phủ, Nhà nước đã tập trung cho công tác này song nguồn lực còn hạn chế. Đồng thời, tiếp tục đề nghị Chính phủ miễn thị thực đơn phương cho một số nước khác. Bộ Văn hóa thể thao đề xuất Chính phủ xem xét quyết định.

Thứ ba, để phát triển ngành du lịch, phải chặn đứng được việc ăn chặn. Nghị quyết 18 đã nêu ra các việc cần làm, quy định các cơ sở dịch vụ du lịch công khai và bán đúng giá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch.

Sàn vàng thế giới
Ngoại hối Forex
Bitcoin