Du lịch phục hồi, nhiều doanh nghiệp đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng vẫn kinh doanh khó khăn, có dự án lỗ hàng trăm tỷ nửa đầu năm.
Theo số liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Công ty cổ phần Dịch vụ giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn lỗ sau thuế khoảng 199,4 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay. Mức này cao gấp 5,8 lần so với cùng kỳ và vượt cả khoản lỗ hơn 152 tỷ của cả năm 2023. Hưng Thịnh Quy Nhơn là chủ đầu tư dự án Merryland Quy Nhơn và Grand Center Quy Nhơn (Bình Định).
Tương tự, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Sông Tiên cũng báo lỗ hơn 62 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, gấp 2,8 lần cùng kỳ. Đây là chủ đầu tư của Angel Island – tuy nằm tại cù lai Nhơn Phước (Đồng Nai) không giáp biển, dự án vẫn được định vị là khu đô thị du lịch với nhiều tiện ích giải trí, nghỉ dưỡng.
Đây không phải hai chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng hiếm hoi kinh doanh khó khăn trong thời gian qua. Số liệu từ HNX cũng cho thấy nhiều doanh nghiệp chung ngành vẫn chưa thoát khỏi cảnh kinh doanh dưới giá vốn.
Tonlin Land – chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng phức hợp Le Méridien Đà Nẵng – đã lỗ liên tiếp từ khi công bố thông tin năm 2021 đến nay. 6 tháng qua, công ty này báo lợi nhuận âm hơn 8 tỷ đồng. Tương tự, Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Vạn Hương – chủ khu du lịch quốc tế Dragon Ocean Đồ Sơn (Hải Phòng) – cũng hụt hơn 34 tỷ đồng lợi nhuận. Ngoài ra, Sunbay Ninh Thuận – đơn vị đầu tư tổ hợp SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang (Ninh Thuận) – báo lỗ hơn 14 tỷ đồng.
Ngay cả các doanh nghiệp sở hữu danh mục đầu tư đa dạng nhưng chủ yếu là bất động sản nghỉ dưỡng, cũng không thoát tình cảnh khó khăn. Công ty cổ phần Crystal Bay lỗ gần 76 tỷ đồng trong nửa đầu năm. Họ đầu tư nhiều dự án như SunBay Park Hotel & Resort Phan Rang, Sailing Bay Ninh Chữ (Ninh Thuận, Crystal Marina Bay (Khánh Hoà)…
Hay BIM Land từ lãi 810 tỷ hồi nửa đầu năm trước, chuyển sang lỗ hơn 341 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sở hữu nhiều dự án tại các địa phương du lịch, nổi bật là Hạ Long Marina (Quảng Ninh) và Phú Quốc Marina (Kiên Giang).
Chủ đầu tư nhiều dự án nghỉ dưỡng chưa thể thoát lỗ khi đây là phân khúc duy nhất “bất động”, mặc cho thị trường chung có những dấu hiệu ấm lên. Báo cáo mới nhất vào tháng 7 của DKRA cho thấy, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng nhìn chung chưa có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều dự án mới phải dời thời gian triển khai bán hàng khiến nguồn cung mới khan hiếm, chỉ xuất hiện cục bộ ở phía Bắc.
Theo đơn vị phân tích này, vướng mắc pháp lý khiến nhiều dự án chưa thể mở bán, trong khi lượng hàng tồn kho giá trị cao vẫn hiện hữu khiến thanh khoản gặp khó. Bên cạnh đó, niềm tin của nhà đầu tư chưa khôi phục cũng là những nguyên nhân chính khiến thị trường lâm vào tình trạng khó khăn kéo dài. Trong bối cảnh đó, các chủ đầu tư vẫn phải tiếp tục duy trì những chính sách cam kết, chia sẻ lợi nhuận hoặc doanh thu, hỗ trợ lãi suất, ân hạn nợ gốc… nhằm tăng thanh khoản.
Còn theo báo cáo của Hiệp hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nửa đầu năm ghi nhận gần 1.800 sản phẩm giao dịch thành công, chỉ tương đương 20% so với cùng kỳ năm 2022. Mặt bằng giá bán sơ cấp tiếp tục đi ngang, trong khi thị trường thứ cấp lại giảm 15-20% so với giá trên hợp đồng. Thị trường còn ghi nhận những dự án có giá giảm sâu đến 40-50% nhưng vẫn gặp khó khăn về tiêu thụ.
Tất Đạt